Không thể gọi đây là ngôi chùa, mà đúng hơn là một cái am. Không có chánh điện, không có nhiều tượng phật, tượng La hán, cũng không có chuông lớn... Chỉ có một pho tượng Thích ca bằng gỗ được đẽo gọt từ một gốc cây già và một cái đôn gỗ dùng đặt tượng lên đó. Và cũng không có sư sãi nào khác ngoài người duy nhất vừa là trụ trì, vừa làm hết mọi việc trong am. Người ta quen gọi vị tu sĩ ấy là thầy Tịnh tâm...
Cũng không ai biết Tịnh Tâm từ đâu tới, chỉ biết rằng cái am này do chính thầy dựng lên bằng tre, lá và sức của thầy. Thầy ngày ngày tụng kinh gõ mõ và sinh hoạt một mình. Mọi thứ bình thản trôi qua. Cho đến một hôm…
Có một nữ khách đi bộ từ miền núi lên tận am rồi rẽ vào am một cách tự nhiên, như người đã quen biết với chủ am từ lâu. Đó là một phụ nữ khá trẻ. Cô đội chiếc nón lá che khuất mặt, nhưng thân hình thon thả, dáng đi khoan thai cũng nói lên tuổi tác. Có lẽ khoảng trên dưới 25.
Nữ khách đứng quan sát khắp am một lúc khá lâu mà vẫn chưa thấy ai lên tiếng hỏi, có lẽ sư Tịnh Tâm đã đi ra ngoài. Khách đợi hơn nửa giờ và sau cùng người cô chờ đợi đã có mặt. Vừa từ bên ngoài bước vào, Tịnh Tâm đã kêu lên:
- Ô, kìa...
Nữ khách từ từ giỡ chiếc nón trên đầu ra, lộ hẳn một khuôn mặt thanh tú, nghiêm nghị. Cô lên tiếng ngay mà không cần nhìn lại:
- Sư còn nhớ kẻ trần gian này sao?
Hai người quay lại, đối diện nhau. Trong khi cô gái bình tĩnh, thì trái lại Tịnh Tâm có vẻ bối rối. Ông vụng về đẩy chiếc ghế tới, làm cho nó ngã ra đến hai lần.
Khách phải lên tiếng:
- Không có gì đâu, anh rể hụt của tôi. Cứ bình tĩnh và nói xem chị Hai tôi ở đâu?
Giờ Tịnh Tâm mới trấn tỉnh lại, ông kéo ghế ngồi, hai tay chắp trước ngực, giọng từ tốn:
- Chuyện qua rồi, đó là nỗi đau lớn nhất của tôi, xin cô út đừng nhắc lại nữa.
Cô gái lớn tiếng hơn:
- Sao lại không nhắc? Một mạng sống của người con gái đã vì ông mà chết oan nghiệt, ông vẫn bình thản sao?
- Xin cô út...
Út Xuân đứng phắt dậy, giọng cương quyết:
- Ông đem xác chị tôi đi đâu, chôn ở chốn nào mà hồn phách không yên, cứ về phá phách cả nhà không ai được sống yên? Hôm nay ba tôi bảo tôi phải bắt ông chỉ mộ, để tôi cho bốc đem về nhà chôn trên đất riêng, có như thế chị hai Như Hoa mới an nghỉ được. Ông đi với tôi.
Tịnh Tâm vẫn nhẹ giọng:
- Đi đâu, cô út!
Út Xuân bước ra cửa đứng đợi:
- Đi ra mộ của chị Như Hoa!
Một thoáng suy tư, cuối cùng thầy Tịnh Tâm cũng đứng lên, bước ra cửa, vẫn giọng ôn tồn:
- Cô theo tôi. Tôi sẽ chỉ cho cô mộ của Như Hoa, nhưng còn chuyện di mộ thì tôi phản đối...
- Ông không có quyền! Ngay khi chị tôi chết, ông đã lén ăn cắp xác mang đi rồi nay còn cứng đầu...
Cô ngừng lại, có lẽ vì thấy mình đã hơi quá lời. Trong lúc Tịnh Tâm vẫn không hề thay đổi giọng điệu:
- Tôi đã bị nhà cô bức bách chia lìa với Như Hoa và cũng chính nhà cô đã giết chết cô ấy. Tôi đưa cô ấy lên đây cũng là vì chúng tôi không thể xa lìa nhau...
Út Xuân vượt lên đứng chống nạnh chặn đường bước của Tịnh Tâm, cô tỏ ra hung dữ bất thường:
- Ba tôi đánh chết chị Như Hoa cũng chỉ vì chị ấy mê đắm ông, làm bại hoại gia phong, làm nhục cả dòng họ. Tại ông, chính ông là...
Đang nói hăng, đến độ quá khích, bỗng dưng Út Xuân ngừng ngang. Người đang đứng thẳng, chợt ngã quỵ xuống đất. Tịnh Tâm muốn tránh không đụng đến cô, nhưng trước tình cảnh đó ông đành phải đưa tay đỡ cô lên. Một dòng máu ứa ra từ trong miệng cô gái. Gương mặt cô xanh xao một cách lạ thường... Hoảng quá, Tịnh Tâm gọi liền mấy tiếng:
- Cô út, cô có sao không? Cô út...
Út Xuân lại ói ra máu lần nữa và phải đưa tay vịn vào vai “kẻ thù” của mình. Tịnh Tâm vẫn độ lượng, ông đưa vạt áo nâu của mình lau vội dòng máu, vừa nhẹ giọng hỏi:
- Cô nghe trong người thế nào? Hay để tôi dìu cô về am rồi gọi người cấp cứu...
Út Xuân xua tay:
- Không cần, để em ngồi nghỉ một chút thôi...
Giọng cô gái đã đổi khác, nhẹ hơn và thân thiện hơn.
Tịnh Tâm vui mừng:
- Cô uống chút nước cho khỏe. Nước này là nước suối, tôi lấy riêng để trong lọ và mỗi ngày đem cúng Như Hoa. Đây là nước tinh khiết, chỉ riêng Như Hoa uống thôi.
Út Xuân ngẩng nhìn Tịnh Tâm, chợt cô ôm mặt khóc rưng rức, như một người vừa phạm tội lỗi, biết ăn năn. Hồi lâu cô nhìn bình nước từ tay người mà chỉ ít phút trước còn bị cô chửi mắng thậm tệ. Sau khi uống ngụm nước có vẻ cô bình tâm hơn, dịu giọng:
- Cho em xin lỗi. Chỉ vì quá xúc động và cũng bởi hôm nay nhà em cũng bị như thế này...
Tịnh Tâm kinh hãi:
- Cô nói gì? Ai bị cái gì?
Út Xuân kể:
- Liên tục nhiều ngày qua, đêm nào hồn phách chị Hoa cũng về gọi cửa. Ba em tức giận, nên đã lớn tiếng chửi bới và rồi phải lãnh hậu quả, cả nhà bị hộc máu mà không rõ nguyên do.
- Trời ơi!
Tịnh Tâm chỉ kêu trời rồi ngồi im, mắt nhìn lên đỉnh núi. Út Xuân tiếp lời:
- Sự việc xảy ra quá đột ngột nên ba em và em bị sốc, nghĩ rằng chính anh làm cho chị Như Hoa mê muội, đến nỗi chết rồi mà còn về chống lại gia đình. Em lên đây hôm nay là để quyết tâm đem xác chị ấy về, nào ngờ...
Tịnh Tâm dìu Xuân đứng lên:
- Có lẽ cô Út về am nghỉ ngơi, đợi khỏe rồi tôi sẽ dẫn cô ra thăm mộ Như Hoa. Tôi cũng không cản, nếu cô thấy cần đem hài cốt của Hoa về…
Út Xuân vẫn hướng lên đỉnh núi:
- Không sao đâu, anh cho em lên trên đó thăm mộ.
Trước sự cương quyết của cô, thầy Tịnh Tâm phải dìu cô từng bước, đi theo con đường mòn. Đúng ở giữa đỉnh núi, trong một hốc đá to, có một ngôi mộ được xây bằng đá rất gọn gàng. Có một bia được đục thẳng vào vách đá, ngoài dòng chữ ghi họ tên người chết, bên dưới là nhiều chữ chi chít giống như một áng văn bia. Út Xuân đọc thấy ngay tên chị của mình: “Nơi an nghỉ của Như Hoa chết vào một đêm mưa gió thê lương...” và bên dưới là từng dòng chữ rõ ràng, được đục, khắc rất công phu: “... Nàng đã chết chỉ bởi yêu người không được gia đình chấp nhận. Người nàng yêu là một thầy giáo nghèo, không thân thế, sự nghiệp, chỉ có tấm lòng và con tim cháy bỏng. Nàng chết sau trận đòn roi quá nặng và còn bị trói vào cột ngoài trời mưa gió. Người cha có lẽ cũng không nhẫn tâm, ông thương con, nhưng vì quá thành kiến, quá khắt khe, nghĩ rằng phải mạnh tay để con gái từ bỏ mối tình riêng... Nào ngờ chính trận đòn roi đó đã vĩnh viễn đưa nàng đi mãi mãi về một nơi mà nàng không muốn đến...”