Sau đó Bình mò ra xóm nhà cách đó khoảng vài trăm mét. Anh ngạc nhiên khi hầu như nhà nào cũng đóng kín cửa, hoặc có mở cửa thì lại không có người. Phải mất gần một giờ Bình mới tìm thấy một ông già đang ì ạch đẩy chiếc xe bò, bởi con bò ốm đến nỗi bước đi không muốn vững. Chặn ông ta lại, Bình lễ phép hỏi:
- Thưa bác, ở đây có ai có thể nhờ đi lấy nước về xài không ạ?
Ông già ngừng tay lại thì con bò già cũng đứng lại, vì hình như nó không đủ sức đi một mình. Ông ngước nhìn Bình rồi hỏi:
- Cậu ở đâu?
Bình chỉ tay về ngôi nhà lớn duy nhất trong xóm này:
- Dạ, cháu mới về ở ngôi biệt thự của ông Dương Đoan.
Vừa nghe đến đó ông già lắc đầu ngay:
- Nhà đó thì thiếu gì nước, cần gì phải đi lấy nước giếng chi cho mệt!
Ông ta định cúi xuống đẩy tiếp, nhưng Bình đã bất ngờ kéo ông ta lại:
- Ai lại đẩy chiếc xe bò khi có bò kéo! Nè bác, hay là bác biết chỗ lấy nước, bác hãy giúp đi, con trả bác tiền hút thuốc!
Chẳng nói chẳng rằng, ông già tiếp tục đẩy xe đi. Nhưng đi được mấy bước chợt ông lên tiếng:
- Cậu có cần người ở giúp việc không?
Đang cần một thứ mà ông ta lại hỏi thứ khác, trong lúc bực mình. Bình đáp đại:
- Cần, ông có ai thì dẫn tới!
- Có. Con gái tôi.
Bình hơi giật mình:
- Con gái ông... mà bao nhiêu tuổi?
- Mười tám!
Bình lại một phen ngơ ngác:
- Mười tám... sao bác không để cô ấy phụ đẩy xe mà cho đi làm với người khác?
Ông ta lại cúi xuống đẩy xe tiếp, có lẽ nghĩ Bình đã từ chối. Chợt Bình chạy theo và nói:
- Được đó bác. Hay là bác cho cô ấy tới rồi giúp cháu đi lấy nước trước đã...
Bây giờ ông lão mới ngừng hẳn việc đẩy xe, ông cười lần đầu tiên với Bình, hai hàm chỉ toàn nếu, chứ không còn chiếc răng nào, giọng thật thà:
- Nhưng tôi nói trước, con gái tôi nó bị câm. Cậu có chịu mướn không?
Thảo nào. Bình nói thầm, và sau cùng anh gật đầu:
- Dạ được. Cháu mướn người làm chứ đâu phải mướn để nói chuyện đâu.
Ông già lại nói:
- Thường người câm thì bị điếc, vậy cậu liệu có nói chuyện được với nó không?
- Dạ...
Thấy Bình lưỡng lự, ông già chợt cười thành tiếng:
- Nói vậy chứ con nhỏ nhà tôi còn nghe được chút đỉnh. Cậu cứ nói chuyện nhỏ nhẹ với nó là nó nghe theo liền.
Bây giờ tới phiên Bình phá lên cười:
- Bác mới nói cô ấy chỉ nghe được chút đỉnh mà lại bảo nói nhỏ cho cô ấy nghe, là sao?
Ông già bảo:
- Tôi nói thật đó. Con gái tôi rất nhát, mỗi lần nghe ai nói chuyện lớn tiếng là nó khóc và bỏ chạy ngay. Do vậy trời phú cho nó cách nhìn nhép miệng của người đối diện mà đoán ra câu nói của người đó. Chỉ yêu cầu mỗi khi nói chuyện cậu phải bước tới gần, để nó nhìn.
Đúng là quá bất tiện, tuy nhiên lúc này anh cần có nước, nên gật đầu đại:
- Thôi cũng được. Bác cứ cho cô ấy tới đi, rồi cháu sẽ coi cách cô ấy làm việc mà tính tiền công.
- Được rồi, cậu cứ đi đâu chơi đi, lát nữa về nhà sẽ có nước cho tắm! Mà nè, con gái tôi ban ngày không ra khỏi nhà, do nó mặc cảm về bệnh tật. Nó chỉ tới để giúp cậu vào ban đêm, có được không?
Bình cũng đành phải gật đầu, tuy nhiên anh cũng dặn:
- Riêng hôm nay thì cháu cần có nước tắm bây giờ.
- Tôi đã nói rồi, khi cậu về nhà thì đã có nước tắm! Cứ mỗi tối nó tới, dù cậu ngủ rồi nó vẫn làm, như dọn dẹp nhà cửa cho cậu, giặt giũ áo quần. Cậu nhớ khi nào cần lắm mới nên thức dậy gặp nó, đừng làm nó giật mình.
Bình vừa gật đầu mà vừa chép miệng:
- Lại rắc rối đây...
Ông già lại lẳng lặng đẩy xe đi. Nhìn cảnh ông cùng con bò ta có thể hình dung ra cảnh người già đi xuống âm phủ! Bình thở dài rồi lửng thửng đi trở về nhà...
Quãng đường từ đó về ngôi nhà không xa, nên Bình chỉ đi một lúc là tới và lần này anh thật sự sững sờ, bởi trước mắt anh, hồ nước đã đầy trở lại!
- Cái gì vậy?
Anh không tin vào mắt mình nên tận tay thọc vào trong nước và khi cảm nhận đó là nước thật thì mới ngẩn người ra...
- Không thể hiểu nổi!
Anh vừa tắm mà vừa nghĩ tới lời thách đố của Dự. Thì ra ma là như thế này đây! Nhưng ông lão vừa rồi là người thật chứ đâu phải ma, mà tại sao ông ta lại biết khi Bình trở về nhà thì nước sẽ đầy trở lại? Phải chăng người ở vùng này đã quá quen với những chuyện như thế này rồi?
Tắm táp xong Bình nghe bụng cồn cào, anh bước tới mở chiếc tủ lạnh củ mèm ra, trong đó ngày hôm qua lúc mới tới anh đã dồn hết những thức ăn dự trữ vào, hôm nay sẽ dùng từ từ...
- Ủa, kỳ vậy?
Cả một tủ đầy những món như xúc xích, thịt nguội, trứng và cả hai tảng thịt bò lớn nữa, Dự đã cho người nhà đi mua để Bình mang theo và rõ ràng anh đã cho hết vào đây, anh còn kiểm từng món nữa mà. Bây giờ sao lại biến mất hết, hầu như chẳng còn gì?
- Không thể tin nổi... chẳng lẽ ai vào trộm hết?
Cũng có khả năng đó, bởi lúc nãy đi Bình không khóa cửa. Thở dài chán nản, Bình lẩm bẩm:
- Lại phải nhờ người đi mua thức ăn khác rồi!
Nhưng cái gây go là sáng nay lấy gì để ăn bữa điểm tâm? Bình đành phải mặc lại áo, định đi ra ngoài để tìm quán xá gì đó, ăn đỡ. Nhưng khi bước ra tới ngỏ, anh thấy có một con thỏ trắng nằm thoi thóp ở đó. Con vật vừa đẹp vừa dễ thương, Bình cúi xuống đỡ nó lên thì nhận ra ở đùi sau của nó bị một mũi tên của ai đó bắn, còn ghim chặt.
- Dã man thật!
Rất nhẹ tay Bình nâng con thỏ và định đưa nó vào thềm nhà, nơi đó anh sẽ tìm cách lấy mũi tên ra. Nhưng vừa khi ấy anh lại nghe tiếng chim kêu rất gần, tiếng kêu ra vẻ đau đớn lắm! Nhìn xuống đất và một lần nữa anh phải kêu lên:
- Tội nghiệp chưa!
Một con chim khá lớn, đang nằm sãi cánh, máu nhuộm đỏ cả một bên cánh của nó, đúng là cũng đang bị thương! Bình quên ngay cơn đói, anh lại nâng con chim lên và cùng lúc đem hai con vật tội nghiệp vào hiên. Một cách nhẹ nhàng, Bình kéo mũi tên ra khỏi đùi con thỏ. Nó kêu ré lên đau đớn, nhưng sau đó nằm im đi, kiệt sức, nhưng có vẻ đã không còn nguy hiểm nữa. Đến con chim thì vết thương của nó không nặng lắm, nhưng do trúng ngay cánh nên hầu như nó không còn cử động được nữa, Bình phải dùng khăn sạch lau máu cho nó, rồi cột cố định vết thương.
Sợ nhà có mèo, nên sau khi chăm sóc kỹ vết thương rồi Bình mang hai con vật vào phòng riêng của mình, đặt chúng lên giường tấn gối, mền chung quanh. Xong đâu đó rồi anh mới đi.
Phải lội bộ khá xa Bình mới tìm được một quán nước, nhưng ngoài cà phê la, chỉ có vài cái bánh ú, Bình đành phải ăn tạm. Vậy mà anh ăn ngon lành, vừa ăn vừa khen:
- Ngon chưa từng thấy!
Thấy anh ăn ngon như đã nhịn đói lâu ngày, chị chủ quán hỏi:
- Cậu ở đâu tới, chứ đâu phải người xứ này phải không?
Bình thú thật:
- Tôi mới tới ở chơi ngôi nhà hoang của ông Dương Đoàn, chị biết nhà đó?
Vừa nghe nói chị ta đã tròn xoe mắt, hỏi:
- Cậu không biết gì sao dám ở đó?
Bình biết chị ta muốn nói điều gì, nên anh cười bảo:
- Nhà có ma chứ gì!
Chị chủ quán ra vẻ nghiêm trọng:
- Ma thật chứ không phải chơi đâu! Từ ba bốn năm nay nhà đó bỏ hoang, ông chủ đó hồi trước làm giàu nhờ xứ này, cất nhà đó lên cũng như đồn điền ở đây, vậy mà cuối cùng phải bỏ đi biệt, không thấy léo hánh về nữa!
Bình giả vờ hỏi:
- Ma làm gì mà người ta sợ dữ vậy?
- Cái cậu này không biết trời đất gì hết. Ma nhát, ma hại người chứ làm gì!
Rồi chị ta hạ thấp giọng kể:
- Hồi đầu, lúc ông chủ Đoàn bỏ đi, ông ấy có nhờ người xứ này vào ở giữ nhà, nhưng cả bọn người vào đều hộc máu xém chết cả bốn, nên từ đó đến nay không ai dám ở nữa. Cậu không nên ở lâu...
Bình vẫn giọng nửa đùa nửa thật:
- Thiên hạ sợ không dám ở thì mình ở! Tôi định sau khi ở vài ngày thử xem, nếu được tôi về đây ở luôn, kiếm vợ xứ này, chị thấy có được không?
Chị chủ quán rùng vai, lắc đầu:
- Nghe cậu nói mà phát ớn lạnh rồi! Mà thật tình cậu ở đó mà không gặp rắc rối gì sao?
Bình cười cười:
- Tôi cũng đang muốn gặp ma một lần thử coi, ma đẹp xấu thế nào mà tiếc là suốt từ hôm qua tới giờ chưa gặp được!
Bình ăn xong còn mua thêm mấy cái bánh ú và hỏi:
- Chị có thể nấu cơm cho tôi ăn vài bữa được không?
Sau vài giây suy nghĩ, chị ta đáp:
- Nấu thì được, nhưng cậu phải ra đây ăn, chứ tôi không đem tới nhà đó được.
- Cũng được. Mỗi bữa tôi sẽ ra đây ăn.
Chợt nhớ ra, Bình nói:
- Hay là thế này, bữa nào tôi ra không được thì chị gửi cho ông già đánh xe bò thường đi ngang đây, được chứ?
Chị chủ quán ngạc nhiên:
- Ông già nào? Ở đây làm gì có ai đánh xe bò. Xứ này chỉ có xe ngựa thôi, xe bò làm sao leo dốc nổi?
- Có mà. Một ông lão với chiếc xe bò do con bò già kéo qua đường này, tôi mới gặp hồi nãy. Ông ta còn nói là có cô con gái câm nữa...
Bình nói chưa dứt lời thì chị chủ quán đã đứng vụt dậy, khiến cho cái bàn Bình đang ngồi ăn bị đổ sang một bên! Chị ta lắp bắp:
- Cậu... cậu gặp ông ta? Cậu gặp...
Bình ngạc nhiên:
- Chị sao vậy?
Sự sợ hãi làm cho da mặt chị ta tái mét, giọng run run:
- Không xong rồi cậu ơi... ông già đó tôi nhớ ra rồi... ông ta chính là cha của cô gái mà ngày xưa đã chết trong ngôi nhà ấy. Đó là ông già Tư, là người làm vườn cho nhà ông Đoàn. Ông ta có cô con gái mười tám tuổi, cũng giúp việc trong nhà đó... Rồi một hôm người ta hay tin cô gái câm đó treo cổ chết trong đó!
Bình không để chị ta nói hết, đã chặn ngang:
- Sao cô ta chết?
- Tôi không rõ, chỉ có ông già Tư cha cô ta mới biết. Bởi vậy ông ta mới nổi điên, xách dao rượt chém ông chủ Đoàn, thiên hạ cho rằng ông ta bị sốc trước cái chết của con nên điên, nên bảo vệ để ông Đoàn thoát thân. Tuy nhiên sau đó ông ta không ở trong ngôi nhà đó nữa, mà đem xác con gái để trên một cái cộ, dùng một con bò kéo, chở xác con đi khắp nơi kêu oan, nói rằng con mình đã bị người ta giết! Hỏi ai giết thì ông ta không nói, chỉ ngữa mặt lên trời khóc rống lên! Từ đó ngôi nhà ấy bỏ hoang, do ông Đoàn cũng không dám ở, bởi ma hiện như tôi vừa kể lúc nãy!
- Vậy ông chủ nhà có dính gì tới cái chết của cô gái câm kia không?
Chị chủ quán hình như cảm thấy mình kể tới đó là quá nhiều, nên vội lắc đầu, từ chối nói tiếp. Bình bắt đầu hoang mang, nên đứng dậy đi về ma2 không đề cập tới chuyện nhờ nấu cơm nữa.
Vừa về tới cổng ngoài Bình đã có linh tính như điều gì đó khác thường vừa xảy ra trong nhà. Anh nhẹ nhàng mở cổng, bước từng bước vào trong... Nhưng chẳng thấy có gì khác thường, nên Bình thở phào, anh bước vào phòng riêng định thay đồ rồi bắt đầu một ngày trong ngôi nhà hoang.
Tuy nhiên...
Vừa đẩy cửa phòng bước vào, Bình đã khựng lại và kêu lên:
- Cô là ai?
Trên giường của anh có một cô gái mặc quần áo toàn trắng đang nằm ôm hai con vật bị thương mà Bình đã cứu lúc nãy. Cô ta nhìn Bình với đôi mắt thân thiện. Bình lặp lại câu hỏi:
- Cô là ai?
Bấy giờ cô gái mới ngồi lên, cất giọng thật trong trẻo:
- Đây là những lời nói đầu tiên trong đời tôi, bởi từ nhỏ tôi đã bị câm cho tới lúc chết. Mà khi đã chết rồi thì đâu có dịp nói chuyện trực tiếp với ai. Chào anh, tôi là con ma giữ nhà này! Đúng hơn là ở nhà này để chờ ngày đòi nợ!
Bình nghe lạnh từ sống lưng, anh hơi mất tự nhiên:
- Cô... cô chính là con gái ông già Tư?
Cô ta bước xuống giường, vẫn nhìn Bình với nụ cười:
- Đúng là tôi phải giữ lời hứa giữa cha tôi với anh, tôi phải tối tối tới đây để giúp anh công việc nhà... Nhưng giờ đây thì không thể rồi, tôi vừa mới đòi được món nợ mạng sống mà tôi phải chờ đợi bấy lâu nay. Con nợ của tôi đang ở trên lầu, lát nữa anh lên sẽ biết là ai. Còn anh, đúng ra anh cũng đã phải trả giá cho sự ngạo mạng lẫn liều mạng của mình! Nhưng vừa rồi, bằng tấm lòng nhân hậu, bằng nghĩa cử của một con người không có máu ác, qua việc anh cứu hai con vật yêu của tôi, nên tôi tha cho anh. Vậy sau khi giải quyết xong chuyện cái xác trên lầu, anh có thể đi hay ở tại ngôi nhà này là tùy anh, tôi không có quyền ngăn anh nữa. Mà suy cho cùng, anh là người xứng đáng làm chủ ngôi nhà này hơn.
Cô ta nói xong định bước ra ngoài, nhưng khi tới ngang cửa, cô ta quay lại nói tiếp:
- Anh cũng nên rõ câu chuyện mà bà chủ quán kể cho anh nghe lúc nãy. Người hại tôi chết chính là ông chủ họ Dương tên Đoàn! Chính lão ta đã cưỡng hiếp tôi rồi ngụy tạo cái chết treo cổ của tôi! Tôi làm ma chỉ để đòi mạng lão ta, nhưng lâu nay lão trốn biệt, giờ mới vác xác về đây chịu tội...
Cô ta thoắt cái đã không còn thấy bóng!
Bình vội chạy lên lầu thì thấy có một gian phòng mở toang cửa, anh nhìn vào và thét lên:
- Bác Đoàn!
Thì ra ông Dương Đoàn, cha của Dự đã treo cổ chết tự lúc nào rồi!
Vừa khi ấy từ dưới nhà có tiếng chuông điện thoại reo vang. Bình chạy xuống nghe và nhận ra giọng của Dự ở đầu dây bên kia:
- Bình hả? Ba mình vừa điện thoại về cho hay sáng nay ông sẽ ghé lại chỗ cậu đó. Ông có vẻ kích động lắm, có gì cậu coi chừng ông ấy với. Mình sẽ lên ngay trưa nay.
Bình định báo tin cho bạn, nhưng Dự đã cúp máy.
Đứng lặng người một lúc, cuối cùng Bình nói đủ cho mình nghe:
- Đúng ở đây có ma thật...