Bệnh tình tưởng không có gì, vậy mà Lan Ngọc đã phải nằm mê man suốt hai ngày. Lúc tỉnh lại điều cô hỏi đầu tiên là về đứa bé:
- Đã tìm được nó chưa?
Lan Thanh phải trấn an em:
- Em cứ yên tâm nằm nghỉ, dưỡng bệnh. Anh Thông và mọi người đã tát sạch nước ở mương rồi mà vẫn chẳng thấy gì khác. Có thể cánh tay kia là của ai đó chứ không phải của nó. Vả lại cánh tay ấy chỉ vớt lên mặt nước khoảng mấy phút sau thì đã chẳng còn nguyên nữa, nó thành một khúc xương khô!
Lan Ngọc vẫn lẩm nhẩm:
- Phải tìm cho được nó, tội nghiệp quá...
Thông đi tận chợ thị xã rước về một bác sĩ quen, để khám bệnh cho Lan Ngọc. Sau khi chẩn mạch ông bảo:
- Cô nhà chỉ bị hạ huyết áp, có lẽ do bị kích động chuyện gì đó. Giờ thì ổn rồi.
Khi vị bác sĩ này đi rồi thì ở nhà bên cạnh có một người bước sang nói với Lan Thanh:
- Tôi nhìn sắc diện cô này không như ông bác sĩ nói đâu. Năm ngoái đứa cháu gái của tui ở xa tới chơi đây cũng bị giống như vậy, nửa đêm nó chạy ra vườn rồi cũng bị té xuống ao, sau đó thì ngả bệnh luôn, mê man cả mấy tháng trời. Cho đến nay thì trở thành như người mất trí! Theo tui thì cô cậu nên đưa cô ấy qua bên kia cồn, có ông thầy hay lắm, chuyên chữa trị loại bệnh này. Chữa sớm đi, đừng để như đứa em tui mà khổ...
Lan Thanh định không nghe, nhưng nhìn sắc diện em gái cứ mỗi lúc mỗi xấu đi, tuy đã tỉnh, nhưng vẫn nằm thiêm thiếp, không đi đứng bình thường được. Cuối cùng cô phải đồng ý. Người hàng xóm tình nguyện đi cùng, cả vợ chồng Lan Thanh đều cùng đi. Lan Ngọc tuy biết mình được chuyển xuống ghe, nhưng cô chẳng tỏ thái độ ưng thuận hay phản đối.
Từ chỗ nhà Lan Thanh qua tới cồn mất hơn một giờ đi ghe. Trời tối, sông lớn lặng yên không chút sóng. Thím Sáu, người hàng xóm, mừng rỡ nói:
- Bữa nay hên đó, chớ mọi bữa sóng gió nhiều, muốn qua cồn phải đợi cả nửa buổi. Hy vọng ta qua sớm sẽ có thầy Tư ở nhà, để khỏi phải chờ đợi nhiều khi mất cả ngày.
Chiếc ghe do đứa cháu chồng của Lan Thanh chèo khá vững vàng và lướt đi nhanh hơn nhờ gió thuận chiều. Tuy nhiên khi ra tới giữa sông lớn thì bỗng Thông đang đứng ở mũi ghe kêu lên:
- Có sóng lớn kìa!
Từ phía trước mặt cách đó không xa đang có một cuộn sóng bất thường dâng lên khá cao, rồi tiếp theo là một đợt gió mạnh thổi thốc tới. Hợi, anh chàng chèo ghe đầy kinh nghiệm cũng phải kêu lên:
- Ngồi xuống hết, bám chặt mui ghe!
Lời anh ta vừa dứt thì đột nhiên chiếc ghe lồng lên, run lắc dữ dội, rồi mọi người chao đảo, cảm giác như bị hất tung lên! Có lẽ phải mất hơn nửa phút sau thì mới có người nào đó gọi lớn, vang vang giữa dòng sông:
- Mọi người cố bám vào ghe hay bất cứ vật gì đang trôi nổi!
Người vừa lên tiếng là Hợi, anh chàng chèo ghe. Anh ta sau đó kéo được trước nhất là Lan Thanh, rồi một người nữa có lẽ bị thương nên đang chới với. Đó là Thông. Chỉ còn thiếu mình Lan Ngọc.
Lan Thanh định thần lại, cô gào lên:
- Hãy cứu em tôi, nó không biết lội!
Có vài chiếc ghe khác đi gần đó cũng chạy lại tiếp sức. Họ bảo:
- Đây là cơn lốc bất thường. Thỉnh thoảng cũng xảy ra, nhưng mùa này thì rất hiếm.
Họ cùng nhau kéo hết những người bên ghe chìm lên. Lan Thanh năn nỉ họ:
- Làm ơn cứu em gái tôi, nó không biết lội mà. Nó chết mất...
Cô như người mất trí, cứ nhảy dựng trên ghe, khiến cho mấy người kia phải cảnh báo:
- Cô làm quá ghe chìm lần nữa thì nguy lắm đó. Được rồi, để chúng tôi tìm cho.
Họ chia nhau đi tìm khắp mặt sông rộng lớn. Ngót nửa giờ sau vẫn không thấy tăm hơi gì của Lan Ngọc. Thông chết điếng trong lòng, nhưng chưa vội thông báo cho vợ mình biết. Lan Thanh sau một hồi gào thét đã mệt nên nằm bẹp trên sàn ghe. Lúc ngẩng lên cô hỏi lớn:
- Tìm được chưa?
Chẳng nghe ai trả lời, cô quay sang nắm chân chồng hỏi bằng giọng thất thần:
- Con... con Lan Ngọc... sao rồi?
Thấy Thông im lặng, Lan Thanh như thân cây đổ, cô ngã sóng soài và ngất đi!
Cuối cùng đoàn ghe cũng giải tán. Hợi chèo ghe trở về, vừa lắc đầu than:
- Chèo ghe gần chục năm nay, chưa bao giờ tui gặp cơn sóng gió lạ như vầy!
Lan Thanh được xoa dầu, sơ cứu, tuy chưa tỉnh, nhưng cũng không đến nỗi nguy hiểm, Thím Sáu bảo:
- Cũng tại tui, nếu tui không gợi ý đi tìm thầy thì đâu đến nỗi nào...
Mọi người lặng thinh, tuy không ai nỡ trách phiền thím, nhưng nỗi đau lòng đang khiến họ như bất động, chẳng muốn nói gì thêm.
Ghe trở về nhanh hơn lượt đi. Gần nửa giờ sau đã cặp bến. Thông ngạc nhiên khi thấy trên nhà mình có đông người tụ tập, vào ra bất thường. Anh nhảy ngay lên bờ, chạy thẳng vào nhà xem. Trước sự kinh ngạc của Thông, ở bộ ván giữa nhà, Lan Ngọc đang nằm đó!
- Lan Ngọc! Phải Lan Ngọc không?
Một người hàng xóm nói:
- Cách đây gần một giờ, tôi đang ngồi rửa chén dưới bến, bỗng nhìn thấy một người bám vào cây chuối, trôi lềnh bềnh. Tôi tri hô mọi người xuống vớt lên thì mới hay là cô út!
Thông vừa chạy tới thì một người nói:
- Cổ chỉ còn mê thôi, chớ đã thở rồi.
Như được chết đi sống lại, Thông tức tốc chạy ra bến báo tin. Lúc ấy người ta đã khiêng Lan Thanh vô gần tới nhà. Bỗng nhiên Lan Thanh bật dậy, hỏi lớn:
- Em tôi đâu rồi?
Thông quên cả mắc cỡ, vội bế xốc vợ chạy bay vào nhà. Vừa đặt Lan Thanh xuống thì cô đã ôm ngang người em gái:
- Lan Ngọc ơi!
Lan Ngọc từ từ mở mắt ra. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, khóc òa lên.
Không ai hiểu tại sao Lan Ngọc ôm được cái bè chuối, mà lại tự trôi về đúng bến nhà?
Trong lúc mọi người còn bàn tán trong nhà, thì ngoài sân có người la lên:
- Cánh tay của ai ở đây?
Mọi người chạy ra xem. Cô Hai Thắng, người đã nhìn thấy Lan Ngọc trôi sông đầu tiên, lên tiếng:
- Chỗ này hồi nãy tụi nó đặt cây chuối mà cô út ôm đây mà, sao bây giờ lại có cánh tay còn tươi của ai đây?
Mấy người nữa cũng xác nhận:
- Chính tui hồi nãy đặt cây chuối tươi ở đó, định sau này mình cúng vái cám ơn nó đã cứu mạng cô út em cô Lan Thanh đây. Sao bây giờ...
Đến khi Thông bước ra, vừa trông thấy cánh tay anh đã nói liền:
- Chính cánh tay này...
Anh muốn nói đó chính là cánh tay mà anh vớt được dưới mương lúc nửa đêm. Nhưng lời anh chưa dứt thì đã nghe từ phía sau tiếng của Lan Ngọc:
- Đừng làm gì cánh tay ấy!
Cô đã tỉnh hẳn, đang cùng với chị mình chạy ra chỗ mọi người. Và thật bất ngờ, Lan Ngọc chụp lấy cánh tay tái xanh, ôm hẳn vào lòng như đang âu yếm một vật cưng!
Nhìn em mình như thế Lan Thanh sững sờ, nhưng có lẽ lúc ấy nghĩ em mình còn yếu, cô không muốn Lan Ngọc bị xúc động mạnh, nên chỉ im lặng đứng nhìn...
Rồi trước sự kinh ngạc của mọi người, Lan Ngọc ôm cánh tay đi thẳng vào nhà. Vài người hiểu chuyện bàn với nhau:
- Có lẽ cô ấy cám ơn vật đã cứu mình. Xem ra cô còn chưa tỉnh lắm, vậy cứ để cho cô ấy như thế, sau đó mình đem chôn cánh tay cũng không muộn. Nghe có lý nên mọi người ai về nhà nấy.
Thông bàn nhỏ với vợ:
- Chờ dì ấy ngủ, anh sẽ đem cánh tay ra nghĩa địa chôn đàng hoàng. Đúng đó là ân nhân cứu mạng cho dì út!