Điền tìm được nơi ở mới. Không phải khu tập thể trong công ty, mà nhà riêng. Có một người công nhân dư một căn nhà nhỏ cách văn phòng công ty hơn cây số, nằm bên đường nhựa chạy ra lộ cái. Tuy không khang trang lắm, nhưng chỉ cho một người độc thân như Điền ở. Anh dọn về đó có vẻ yên tâm, mặc dù trong lòng như có chút gì đó vương vấn, bồn chồn mỗi lần hướng về phía xóm nhà của A Tư.
Ngay tối đó, để dỗ giấc ngủ. Điền ngồi uống rượu một mình, cửa nẻo đã gài chặt, nên anh chàng ung dung nhâm nhi, nghĩ nếu có lỡ say thì ngã đại ra sàn nhà mà ngủ cũng chẳng sao. Và anh đã như thế thật.
Khi nhậu và lúc say nằm ngủ, Điền vẫn để nguyên bộ quần áo đi làm về. Nhưng sau một giấc ngủ vùi, lúc mở mắt ra với cái đầu còn nặng vì hơi men, bỗng Điền hết sức ngạc nhiên khi nhận ra mình đang nằm trên gối, mền hẳn hoi, và trên người anh cũng đã không còn bộ đồ đi làm nữa, thay vào đó là bộ đồ mặc ở nhà!
Điền bật dậy rất nhanh, nhìn quanh một lượt và còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy một mâm cơm đã dọn sẵn trên sàn. Hơi nóng từ thức ăn còn bốc lên, chứng tỏ cơm mới vừa được dọn!
- Ai trong nhà?
Điền thốt lên và quay đi tìm. Ngôi nhà sàn tuy không lớn lắm, nhưng do ở một mình, lại không có bày biện đồ đạc gì, nên phải một lúc sau Điền mới tìm được khắp. Cửa nẻo vẫn gài chặt bên trong, sàn nhà, vách nhà cũng không có nơi nào trống để một người nào đó có thể lẻn vào. Lại càng không thể có chuyện ai đó nấp bên trong...
Định không ăn mâm cơm dọn sẵn đó, nhưng vừa khi ấy tự dưng bụng Điền lại cồn cào, khó cưỡng nổi, nên cuối cùng anh đành phải ngồi xuống cầm đũa và nói như khấn trước khi ăn:
- Của ai chẳng biết, đã có lòng với người độc thân này thì xin nhận. Ăn vào nếu có vấn đề gì thì cũng không dám trách.
Điền ăn một cách ngon lành. Ăn xong, anh tự dọn vào một góc để đó. Lúc ấy anh mới kịp nhận ra, hầu hết những chén, tô và vật dụng đựng thức ăn không phải là đồ trong nhà mình! Mà tất cả những thứ đó nó trùng khớp đến lạ lùng những món phải đi mua sắm mà Điền đã liệt kê vào một tờ giấy khi dọn về nhà mới, chưa kịp đi mua sắm. Định ngày nghỉ sẽ làm việc này...
Ăn no thì trong bụng Điền đã hết cồn cào. Điền nhìn đồng hồ tay thì thấy mới có hơn một giờ sáng, nên chẳng còn cách nào hơn là phải nằm lại chờ sáng. Tuy nói là chờ sáng nhưng có lẽ do cái bụng dễ chịu, nên vừa nằm một chút là Điền lại ngủ say.
Đến khi gà gáy vang thì Điền mở mắt ra, và một lần nữa quá đỗi ngạc nhiên khi cả mâm chén bát đêm qua đã được ai đó rửa sạch!
- Ai trong nhà tôi vậy? Nếu không ra thì từ bây giờ tôi phải bỏ đi, không dám ở nữa!
Mặc cho Điền nói, chung quanh anh vẫn hoàn toàn im lặng. Sáng hôm đó khi đi làm Điền không nói lại với ai chuyện lạ ở nhà mình. Khi ra chỗ vạt rừng ươm cây giống, anh gặp A Tư ở đó, anh ta có vẻ ngại khi phải nói chuyện với Điền:
- Anh ở chỗ mới có tốt không?
Điền vui vẻ:
- Cũng được, nhưng không được như ở nhà anh. Cô Mường Lan có khỏe không?
Câu hỏi vô tình chạm vào nỗi ưu tư của A Tư. Anh ta thở dài:
- Nó bỏ nhà đi từ bữa đó không thấy về. Chẳng biết là đi đâu nữa...
Điền lo lắng:
- Sao anh không nhờ người đi tìm lỡ có chuyện gì thì sao?
A Tư lắc đầu:
- Chắc là không sao.
Điền tự trách mình:
- Trong việc này có trách nhiệm của tôi nữa. Nếu tôi không dọn tới ở thì đâu có chuyện này...
A Tư trầm ngâm một lúc rồi bảo:
- Cái số của nó như vậy. Nhưng chắc là rồi cũng không có điều gì. Nó sẽ về thôi.
- Nhưng anh và cô ấy đâu có bà con gì ở gần đây? Vậy cô ấy đi đâu, ở đâu?
A Tư không tiện nói ra điều đang nghĩ trong lòng, anh ta chỉ lửng lơ:
- Con gái xứ này khó mà chết vì hùm beo trong rừng lắm. Giàng không hại nó mà.
Điền quả quyết:
- Ngày mai chủ nhật, tôi sẽ cùng với anh và một số anh em khác tổ chức đi tìm cô ấy. Tôi phải tìm cho được Mường Lan về mới yên tâm. Mai mình đi nhé!
Lời động viên của Điền không khiến cho A Tư phấn khởi lắm, mặc dù anh ta cũng gật đầu:
- Được rồi, mai tôi sẽ báo cho cậu biết.
Nhưng chuyện đi tìm Mường Lan vào ngày mai đã không thực hiện. Bởi ngay chiều hôm đó cô đã trở về. Nhìn thấy Mường Lan với nét mặt tươi tỉnh, không một chút mệt nhọc sau mấy ngày vắng nhà, vợ chồng A Tư muốn hỏi nhưng còn ngại, thì chính cô nàng đã tự nói:
- Tôi về để lấy đồ đạc ra nhà chồng ở!
Nói xong cô đi soạn một số đồ đạc riêng, rồi rút vào góc trong ngôi nhà ngồi một mình rất lâu. Theo phong tục của bộ tộc thì khi không còn cha mẹ, thì người vợ của anh ruột, tức bà chị dâu của Mường Lan sẽ đứng ra lo liệu chuyện hôn nhân của cô em gái. Nhưng ở đây, khi nghe Mường Lan tuyên bố như vậy thì chẳng nghe A Tư có ý kiến gì. Một lúc sau chị mới kéo tay chồng vào một nơi riêng, nói nhỏ:
- Làm sao mình làm được việc đó, khi cô em này đâu có chịu nghe mình. Cô ấy có người bảo cho nghe rồi, cứ để cho người ta lo.
Chị ta nói như vậy rồi lẳng lặng bỏ đi ra ngoài. A Tư hiểu phần nào nên cũng im lặng, để mặc cho Lan. Tối hôm đó bà vợ anh bảo:
- Con Mèng Lan đã tìm được chỗ để "về nhà chồng" rồi đó!
Sáng ra mới biết, nơi "về nhà chồng" của Mường Lan là cái góc ngôi nhà ông già của A Tư cất này xưa, dùng làm nơi chứa vật dụng lưu trữ làm mùa. Lan đóng kín cửa cầu thang không cho ai ra vào. A Tư muốn hỏi chuyện với em cũng phải đứng dưới đất nói vọng lên:
- Mày làm gì cũng phải nhớ ông cha vẫn còn hồn phách ở đây, là máu mủ ruột rà, tao không bỏ mày được nghe chưa!
Đối với người thiểu số thì những câu nói như vậy là đầy tình nghĩa, đầy trách nhiệm với nhau, nên chỉ cần nói bấy nhiêu đó rồi A Tư bỏ đi vào nhà. Anh dặn vợ hằng ngày phải cơm nước đầy đủ mang ra cho cô em và không được hỏi han bất cứ chuyện gì, nếu Mường Lan không hỏi.
Nhưng chỉ được hai ngày, bỗng vợ A Tư chạy đi tìm chồng và báo tin:
- Tôi lo cơm nước đầy đủ cho cô ấy, mình ăn gì thì cho cô ấy ăn như vậy, nhưng hai ngày rồi, bữa nào cô Mèng cũng bảo tôi dọn mâm giống như nấu cho người Kinh ăn, sao cô ấy lại quen ăn mấy thứ đó?
A Tư trầm ngâm một lúc rồi đáp:
- Thì ráng mà chiều nó đi. Bà đóng vai mẹ có con về nhà chồng mà!
Chị Phèng Liu vốn là người tốt bụng, nên tuy có cực vì yêu cầu của cô em chồng, nhưng cũng ráng lo. Chị ta không quen nấu món ăn của người Kinh, cũng phải cố ra chỗ bếp công ty học cách nấu của mấy người đầu bếp ngoài đó.
Lạ một điều là mỗi ngày Mường Lan chỉ ăn một lần vào buổi chiều tối. Buổi sáng và trưa thì không hề thấy cô nàng đâu. Ra nương rẫy thì thấy mọi việc đồng áng vẫn được Mường Lan làm chu đáo, chẳng biết từ lúc nào, bởi lúc A Tư và vợ ra dòm ngó thì chẳng hề gặp Mường Lan đâu.
Chị Liu nói với chồng:
- Cô ấy có chồng thật rồi. Vậy mình cũng phải tính việc xây nhà riêng cho cô ấy chứ.
A Tư cũng đồng tình:
- Phần đất phía bên kia bụi tre ngày trước tính xây cái nhà hội dòng tộc, nay mình xây cho nó cái nhà với số vật liệu dự trữ đó. Nhưng hỏi nó xem, nó có chịu không đã!
Chị Liu bảo:
- Cô ấy đời nào chịu nhận, mình cứ việc xây rồi giao sau. Nhưng nếu có ai hỏi việc này thì làm sao trả lời?
A Tư bảo:
- Tôi sẽ bảo mọi người là con Mèng Lan có lời hứa với con trai xứ khác, ở nhà riêng để chờ cưới. Phong tục người mình có điều đó mà.
- Nhưng sau này biết lấy ai để trám vào chỗ con trai xứ khác đây?
- Chuyện đó thì để rồi tính. Bộ bà không thấy bây giờ mình cũng đâu có giải quyết được gì trong chuyện của nó.
Họ quyết định như vậy và âm thầm đi kêu người chuẩn bị cất nhà. Tuy nhiên đến bữa cơm chiều, khi chị Liu mang cơm ra thì nghe Mường Lan nói vọng từ trong nhà ra:
- Xây nhà sao không xây kiểu người Kinh?
Chị Liu giật mình:
- Cô biết chuyện rồi sao?
Lan nói rõ ý hơn:
- Có xây thì xây nhà theo kiểu người Kinh, đừng xây nhà sàn người ta không chịu!
- Người ta là ai? Mà làm sao mình xây nhà theo kiểu người Kinh ở giữa xóm thượng được.
- Xây cho người Kinh ở thì phải theo kiểu của họ chứ.
Chị Liu vô cùng ngạc nhiên:
- Cô sẽ lấy chồng người Kinh?
Lan gắt lên:
- Đã lấy rồi chứ còn sẽ gì nữa!
- Kìa, cô Mèng…
Mường Lan ra nhận mâm cơm rồi đóng sầm cửa lại, giận dỗi:
- Không thì thôi, đừng hỏi nhiều quá!
Chị Liu chạy nhanh về kể cho chồng nghe, A Tư giật mình nói:
- Lấy chồng người Kinh? Vậy sao bữa trước nó một hai đuổi cậu kỹ sư đi? Cậu cũng là người Kinh…
Ngừng một lúc, A Tư nói:
- Biết vậy lúc đó tôi nói thẳng ra ý mình, để cậu ấy đừng ra đi.
- Ý gì?
- Thì tôi có ý muốn ghép đôi cho cậu ấy với Mèng Lan nhà mình. Con Mèng Lan đầu tiên cũng thích cậu ấy lắm, chính nó đã xúi tôi mời cậu ấy về nhà đó chứ. Chẳng hiểu sao chỉ được một lúc thì lại xảy ra chuyện ghét nhau đến không muốn nhìn nhau như hai đứa nó?
Chị Liu bảo:
- Tôi thì lại nghĩ khác. Trong chuyện này có những điều như tôi nói với ông đó. Cứ để coi…
A Tư đã được vợ cảnh báo một số điều, nhưng anh còn bán tín bán nghi, nên cho đến giờ này anh vẫn chưa nói ra. Kể cả việc riêng với kỹ sư Điền, đáng lý ngay hôm Điền dọn đi, anh cần phải nói một số việc cho Điền biết, nhưng chẳng hiểu sao anh lại thôi.