Sau ba ngày nghỉ với lý do bị đau chân, hôm nay Tuyền phải bắt đầu đi dạy lại. Học trò và cô giáo gặp nhau mừng tíu tít nên buổi học thật hào hứng dù hai cô bé Diễm, Kiều không thể phát âm được bằng lời. Hết giờ rồi, chúng vẫn bám chặt lấy Tuyền như không muốn tiễn cô về. Thấy vậy, Tuyền đành nán lại bày trò chơi với chúng cho tới tận giờ cơm trưa.
- Cháu Tuyền ở lại dùng cơm với bác nghe?
Tiếng bà Thành Danh nơi cầu thang làm cô và trò phải ngừng chơi. Tuyền vội đáp:
- Thưa... để cháu về nhà ăn cơm cũng được mà.
Song bà Thành Danh đã phẩy tay:
- Ăn ở đây với bác và các em đi. Trưa nay bác trai không về, có mấy mẹ con buồn lắm.
Toan từ chối thêm lần nữa nhưng sực nhớ đến lời hứa với chú Nhị, Tuyền nhận thấy đây là cơ hội để cô thực hiện yêu cầu.
- Vâng ạ. Bác đã mời, cháu không dám từ chối.
Cùng với hai cô bé Kiều và Diễm, Tuyền ngồi vào bàn. Cô được bà Thành Danh tự tay gấp thức ăn giống như mẹ cô khi còn sống khiến lòng cô nghẹn lên xúc động:
- Ăn đi cháu. Món mực sốt chua ngon lắm! Ở vùng đất cao nguyên này có được đồ biển tươi để ăn cũng là hiếm chứ không dễ đâu nghe.
Bà Thành Danh trò chuyện rất thân tình:
- Có cháu lui tới dạy học cho các em thì cái nhà này mới được chút sinh khí để vui lên. Bằng không, từ người đến cảnh vật tất cả đều u buồn, ảm đạm. Tội nghiệp cho hai đứa con gái của bác... chính vì thế mà chúng không năng động, hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa với mình.
Theo đà, Tuyền ngừng ăn tiếp nối câu chuyện:
- Thưa bác, sao lại xảy ra vấn đề như vậy? Cháu thấy hai bác có đủ điều kiện để tạo ra cuộc sống vui vẻ cho các em mà.
Khóe mắt bà Thành Danh rưng rưng những giọt buồn:
- Bộ cháu tưởng cứ giàu sang là đã sung sương mãn nguyện à. Thú thật, bác không hề thấy hạnh phúc.
Tuyền như bị nghẹt thở:
- Không phải về vấn đề tình cảm chứ, thưa bác?
Ngập ngừng một chút, bà Thành Danh thú nhận:
- Là nó đó.
- Bác và bác trai có chuyện xích mích ư?
Bà Thành Danh lắc đầu:
- Đời nào bác dám đụng đến ông ta. Bác chỉ là một phụ nữ yếu đuối.
Nói tới đây, thấy không khí chùng xuống theo mình, bà Thành Danh vội sửa lại thần sắc tươi tỉnh hơn. Bà mỉm cười gượng gạo:
- Thôi đừng nói chuyện của bác nữa. Cháu hãy nói về mình đi. Thế nào... nông trường trà này đã có gì thu hút được cháu chưa?
Tuyền bẽn lẽn:
- Thưa, mọi sự vẫn bình thường thôi bác ạ. Cháu vừa quen được một công nhân có tên là Sinh.
- À... anh chàng này thì bác biết. Cháu cũng khéo quen, anh ta là công nhân kỹ thuật giỏi nhất của nông trường trà Thành Danh đó! Tính tình hơi nóng nảy một chút nhưng rất tốt.
Rồi bà tỏ ra khôi hài:
- Giá ông tơ bà nguyệt mà biết được, xe sợi chỉ hồng cho hai đứa nhỉ?
Đôi má Tuyền chợt gợn sắc hồng của sự thẹn thùng. Cô kêu lên nho nhỏ:
- Kìa, bác...
Bà Thành Danh nói thêm:
- Nếu thật sự hai đứa đã quen và thích nhau, bác sẽ tình nguyện làm bà mai giúp đỡ.
Tuyền càng mắc cở:
- Chưa đến giai đoạn ấy đâu bác. Hơn nữa anh ta giận cháu rồi.
- Chuyện trai gái vấn đề đó là thường. Ghét rồi thương... thương rồi giận... hết giận lại hờn... lẩn quẩn chỉ bấy nhiêu.
- Bác tâm lý quá cở.
Bà Thành Danh cười ôn tồn:
- Thì tại bác đã trải qua mà. Tình yêu thời tuổi trẻ luôn tuyệt vời và mãnh liệt. Có đôi lúc bác ao ước mình được sống lại giây phút ấy chết cũng cam lòng.
Bữa cơm đã xong, bà Thành Danh kéo Tuyền ra hành lang ngồi tâm sự. Có lẽ bà cho rằng cô là người mà bà có thể trút cạn mọi nỗi niềm. Tuy nhiên, bà cũng chỉ nói những điều mà Tuyền không hề chờ đợi. Thấy cơ hội không đến, Tuyền bộc phát mở lời:
- Thời trẻ bác có yêu ai đắm đuối không?
Bà Thành Danh hơi thay đổi sắc diện trước khi gật đầu:
- Có... Thời con gái ai mà tránh được chuyện vấn vương tình cảm.
- Thế bác có lấy được người ấy làm chồng không?
Dường như khóe mắt của bà Thành Danh đang bắt đầu long lanh. Bà nói như muốn mếu:
- Lấy được.
Tuyền cảm thấy hồi hộp:
- Người ấy là bác trai hiện giờ?
Tới đây, bà Thành Danh bỗng khóc ròng nhưng vẫn nói:
- Không phải.
Cô nhẹ nhàng đặt tay mình lên tay bà Thành Danh:
- Cháu xin lỗi đã quá tọc mạch vào đời tư của bác. Chỉ tại cháu có quá nhiều thắc mắc...
- Không phải tại cháu, mà chỉ tại bác xúc động khi hồi tưởng lại dĩ vãng.
Tuyền tiếp tục công việc dò hỏi một cách khôn khéo:
- Dĩ vãng của bác chắc là không được vui vẻ lắm?
- Cháu đoán đúng chỉ một phần. Thật ra thì bác có một thời gian hạnh phúc vô cùng. Nhưng tiếc là ngắn ngủi quá, chỉ kéo dài được một năm.
Lặng người đi để đè nén nỗi buồn, bà Thành Danh lại kể:
- Sau một năm vui vẻ là cả chuỗi thời gian dài đau khổ. Nhiều lúc bác muốn tự gỉai thoát cho mình, song nghịch cảnh trò đời cứ trói buộc, bắt bác phải chịu đựng điều mà bác kinh tởm nhất.
- Dường như trong giọng nói, bác không có tình yêu với bác trai?
- Lần này thì cháu đúng trăm phần trăm.
Đã đoán trước song Tuyền vẫn ngỡ ngàng:
- Không yêu sao bác lại có thể lấy làm chồng?
Những giọt nước mắt không kìm hãm được của bà Thành Danh tuôn như suối. Bà khẽ nấc:
- Chuyện gì cũng có vấn đề của nó cả. Cháu không thể hiểu được khi chưa biết rõ đâu Tuyền.
Đến đây thì Tuyền hiểu mình, không nên lấn sâu thêm, dù thật lòng cô rất muốn được biết hết về đời tư của một người phụ nữ có cuộc sống cao sang. Tuyền đề nghị một cách rụt rè:
- Nếu bác có bí mật cần giấu kín thì không nên thổ lộ. Cháu trẻ người non dạ chẳng giúp gì được cho bác ngoài ý muốn chia sẻ rất chân thành.
Bà Thành Danh dùng khăn thấm khô lệ rồi cười buồn, vành môi phớt màu son nhưng trông thật héo hắt:
- Bác cám ơn cháu đã có tấm lòng cảm thông với cuộc đời bất hạnh của bác. Có lẽ trong thế giới bao la này bác chỉ gặp được một người là cháu thôi.
Tuyền rất đỗi khiêm tốn:
- Chỉ tại bác ưu ái cho cháu quá, chứ tấm lòng thì ai ai cũng có mà.
Bà Thành Danh siết chặt bàn tay nhỏ nhắn của Tuyền:
- Không đâu. Suốt bao nhiêu năm nay bác chưa hề có dịp để tâm sự với ai về nỗi thống khổ của mình. Ngay cả hai đứa con gái của bác, bởi trò chuyện với chúng là cả một vấn đề rất khó.
- Theo như cháu được biết thì bác còn có thêm một người con.
Câu nói bất ngờ này làm bà Thành Danh hoảng hốt:
- Nguồn tin từ đâu vậy?
Tuyền bình tĩnh:
- Bác khoan hỏi mà xin bác hãy xác nhận.
Bà Thành Danh cúi đầu:
- Phải. Nó là con riêng của bác với người chồng trước.
- Vậy hiện giờ người con ấy ở đâu mà không cùng sống chung tại đây?
Bà Thành Danh lại khóc:
- Bác không biết. Bác đã bỏ công tìm nó cả năm, sáu năm nay, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy tung tích gì. Bây giờ chắc nó đã lớn lắm. Có thể bằng hoặc hơn cháu một tuổi.
- Cậu ấy là con trai.
- Đúng rồi. Nó là đứa con trai duy nhất được sinh bằng tình yêu đích thực. Nhưng phần số nó cũng không may mắn nên vừa mới chào đời đã chịu cảnh mất cha.
Tuyền xúc động theo từng lời kể và những giọt lệ đau buồn của bà Thành Danh:
- Cháu biết không? Vì thương chồng và muốn giữ mãi trong tim hình ảnh người đàn ông đầu tiên của đời mình bác đã lấy tên anh ấy đặt cho con. Nó là Đạt... Thành Đạt... Nếu sau này cháu có gặp người nào mang tên đó thì hỏi giùm bác...
Không biết từ bao giờ, Tuyền đã khóc theo bà. Có lẽ tại cả hai có cùng chung tâm trạng yếu đuối của một người phụ nữ:
- Thưa bác... con trai bác bỏ nhà đi vì không chịu sống chung với dượng ghẻ hay nguyên do nào khác?
Bà Thành Danh nghẹn ngào ngước mắt:
- Con trai bác là một đứa trẻ vô tư, nó không hay biết gì về việc cha nó đã chết. Trong tâm tưởng nó từ nhỏ đến lớn vẫn chỉ có một người cha là người đang sống với bác hiện thời. Nó yêu ông ta lắm và luôn xoắn xuýt bên cạnh...
Tuyền nghe sự hồi hộp trong người gia tăng:
- Thế còn phía ông ta?
Bà Thành Danh nuốt nước bọt một cách khó khăn:
- Bề ngoài thì không ai có thể nghĩ ông ta là dượng ghẻ. Còn trong lòng bác thật sự không hiểu ông ta có yêu nó hay không? Cho đến một ngày năm thằng Đạt tròn mười lăm, nó bỗng dưng biến mất để lại cho bác nhiều nghi vấn. Bác đã cật vấn ông ta rồi lăn lộn khóc lóc, nhưng ông ta luôn đưa ra một lý do rất xác đáng là có lẽ thằng Đạt phát hiện ra nó đã bị lừa dối tình cảm nên buồn mà bỏ nhà đi. Cho tới tận bây giờ nó không về và bác cũng chẳng biết nó ở đâu.
- Việc này bên ngoài có ai hay biết gì không hả bác?
- Để giữ vững thanh thế, ông ta bắt bác phải giấu nhẹm việc thằng con mất tích. Trước kia cả nhà sống ngoài phố để tiện việc cho các em đi học. Nhưng sau đó ông đã cho xây dựng ngôi biệt thự mới tại đây rồi dọn về ở luôn, nên bác và các em như bi tuyệt giao với thế giới bên ngoài.
- Còn ngôi biệt thự cũ hai bác đang cho chị em cháu nương náu xây dựng từ bao giờ? Tại sao lại bỏ hoang uổng quá vậy?
Giọng bà Thành Danh nghe u uất:
- Ngôi biệt thự đó là của gia đình chồng bác. Nó bị bỏ hoang vì... vì...
Thấy bà Thành Danh mở miệng khó khăn, Tuyền bèn ngăn:
- Có lẽ nãy giờ cháu đã đi quá phạm vi của mình. Cháu thành thật xin lỗi, cháu chỉ muốn mình hiểu bác hơn như một người con hiểu mẹ.
Bà Thành Danh có vẻ mệt nên hơi thở thật nặng nhọc:
- Vậy là cuộc sống của bác vẫn còn gặp may đấy. Cháu hãy thường xuyên gần gũi bác để nỗi buồn trong lòng bác được có người chia sẻ nghe cháu.
Tuyền dành cho bà Thành Danh tia nhìn ấm áp của một người con:
- Chiều nay bác có thể tới chơi với cháu được không?
- Tất nhiên là phải được rồi. Bác sẽ tìm tới cho cháu một ít lương thực để dùng trong những ngày rét mướt.
- Ồ, cháu không dám làm phiền bác nhiều như vậy.
- Được bác thương là cháu cảm thấy ấm lòng rồi.
- Đừng khách khí nữa mà. "Có thực mới vực được đạo" chứ!
Thấy đã muộn, Tuyền bèn đứng đậy cáo từ. Cô biết chắc ở nhà vú Dần và nhỏ Tú đã đứng ngồi không yên vì sự chậm trễ bất thường của cô ngày hôm nay. Nhưng dẫu sao cô cũng thấy rất vui vì chiếm được tình cảm của bà Thành Danh. Trên đường về, Tuyền còn gặp phải một người đang đặt hết niềm hy vọng ở cô. Đó là chú Nhị, kẻ mà cô đã phần nào tin tưởng lẫn xót xa cho cuộc đời của ông.