Đoạn đường từ Rạch Giá về Hà Tiên không xa, chưa đầy một tăm cây số, nhưng đường sá vào năm 1945 còn quá hẹp và xấu, nên đù cố gắng tăng tốc mà chiếc Traction phải mất ba tiếng đồng hồ Hiệp mới tới Kiên Lương. Nhìn đồng hồ tay, Hiệp hơi sốt ruột, đã hơn 6 giờ chiều. Đến chợ Hà Tiên còn ngót ba chục cây số nữa mà trời tối thì liệu có kịp không?
Không có hẹn với ai ở đó, nhưng Hiệp lại ngại lái xe đường lạ trong đêm tối. Vả lại trời đang chuyển mưa nữa mà. Lúc này Hiệp mới thấy hối hận khi không nghe lời khuyên của bạn bè rằng anh không nên đi, bởi lúc khởi hành đã hơn hai giờ chiều. Hiệp vốn tính bướng bỉnh, lại muốn sáng ngày mai khi tới trình diện nhà cha mẹ vợ tương lai ở gần Mũi Nai thì anh phải tươi tỉnh, chững chạc như hình ảnh một thầy ký tòa án Lê Hữu Hiệp vốn có dưới mắt của Nguyệt và gia đình cô.
Việc Hiệp bỏ ngang công việc tòa án, đi về Hà Tiên vào những ngày giữa tuần cũng chỉ vì anh lỡ hứa với Nguyệt rằng anh sẽ có mặt tại nhà cô và dự đám giỗ, để nhân dịp có sự có mặt đông đủ thân nhân Nguyệt, sẽ là một dịp tốt nhất cho anh ra mắt bên vợ, những người vốn giàu có và trọng hình thức. Ông già của Nguyệt tuy không phải là quan chức, nhưng là một nghiệp chủ giàu nhất nhì Hà Tiên thời đó, chính ông là người đã âm thầm giúp đỡ cho Hiệp ăn học và khi ra trường với bằng Tú tài toàn phần, ông đã vận động để đưa anh chàng vào ngành tòa án, giữ ngay vai thư ký tòa, một địa vị mà không phải người trẻ mới ra trường nào cũng có được. Và để đền ơn người đã giúp đở mình, Hiệp đã long trọng hứa sẽ làm rể nhà nghiệp chủ Ma Đại Nhơn.
Tuy gọi là trả ơn, nhưng cũng may cho Hiệp, vì Nguyệt - cô con gái của nghiệp chủ Nhơn lại là một mỹ nhân đúng nghĩa. Cô ta từng được mệnh danh là hoa khôi của vùng Tô Châu - Thạch Động. Khi hai ngưới gặp nhau lần đầu tiên ở Rạch Giá, nơi Minh Nguyệt trọ học, thì cả hai đã ngỡ ngàng nhìn nhau sau vài giây, tự dưng họ đâm ra mến nhau, hợp nhãn nhau liền!
Bởi vậy, chính Nguyệt đã từng nói với Hiệp rằng duyên của họ đúng là duyên tiền định! Cô nàng hầu như muốn giữ chặt lấy người tình, giục Hiệp
nhanh chóng tiến hành hôn lễ, bằng cách thúc hối cha mua ngay cho hai người một căn phố lầu ở chợ Rạch Giá, và nội tháng 8 phải làm lễ thành hôn, mặc dù cô còn đang học dở dang lớp chuẩn bị thi bằng Thành chung. Ông Nhơn chiều ý con, nên đã yêu cầu Hiệp phải có mặt nhân ngày giỗ ông ngoại của Nguyệt. Hiệp về Hà Tiên với lý do như vậy. Dù đã đi về thị xã Hà Tiên mấy lần rồi, nhưng khi chạy ngang một ngã ba bên tay trái, nhìn thấy tấm bảng đề mấy chữ "82 km là Hòn Chông", Hiệp hơi ngạc nhiên:
- Thì ra đường đó đi về Hòn Chông, một địa danh có thắng cảnh Chùa Hang, Hòn Phụ Tử!
Anh rà xe chậm lại nhìn kỹ con đường, định bụng lượt về thế nào cũng rẽ vào đó xem cho biết Hòn Phụ Tử đẹp như thế nào. Vừa khi ấy chợt trời đổ mưa. Cơn mưa đã được bào trước, nhưng Hiệp không ngờ nó lại tới nhanh và lớn đến như vậy!
Xe hơi thì có thể đi trong mưa dễ dàng, tuy nhiên chỉ với một người chưa quen lắm với đoạn đường quanh co trên lộ trình đến thị xã, nên Hiệp có nới ngại. Anh nhìn thấy một ngôi nhà gần lộ, giống như cái quán ven đường nên không kịp nghĩ ngợi, đã lái xe thẳng vào khoảng sân hẹp, đậu lại định chờ cho bớt mưa.
Hơn mười phút qua, ngồi trong xe đóng kín cửa cảm thấy bí, Hiệp quay kiếng xuống nhìn vào quán, vừa lúc mắt anh dừng lại chỗ một cô gái ngồi co ro trong quán. Toàn quán không có ai khác, ngoài cô gái là khách duy nhất. Cô ta đúng là khách, bởi ngay dưới chân cô, Hiệp nhìn thấy một túi xách của một người đi xa. Chỉ hơi ngạc nhiên bởi ở chỗ vắng vẻ này lại có một cô gái ngồi trong một quán ven đường, trong buổi chiều tối như thế này. Hiệp thôi không nhìn nữa, quay kiếng xe lên, định cứ ngồi trong xe như thế cho đến hết cơn mưa. Nhưng mưa càng lúc càng thêm nặng hạt mà không khí trong xe càng thêm bức bối, nên Hiệp quyết định mở cửa xe, chạy vụt vào trong quán với ý nghĩ rằng mình cũng nên trú mưa trong quán cho thoáng mát hơn.
Có lẽ chủ quán đã thấy Hiệp đậu xe và ngồi trong đó khá lâu, nên khi anh vừa vào đã nghe lời chào hỏi:
- Quý khách cần uống nóng hay lạnh. Lạnh thì hôm nay có nước đá mới chở từ Rạch Giá về.
- Dạ, cho tôi một cà phê nóng.
Hiệp đáp và nhìn lên, anh giật mình, bởi người hỏi anh không phải là chủ quán, mà lại là cô gái anh thấy ngồi co ro nãy giờ!
- Tôi... tôi tưởng...
Có giọng nói từ phía trong vang lên, lần này hình như đúng là của chủ quán thật:
- Thầy Hai uống gì gọi nó cũng được, đó là đứa cháu của tôi, nó đang chờ xe, chớ không phải người ngoài.
Lúc này Hiệp mới chợt giật mình khi nhìn kỹ cô gái!
- Cô nàng đẹp khác hẳn con gái ở xứ này mà lâu nay anh vẫn thấy. Cô ta lại ra vẻ là một người của thị thành với kiểu ăn mặc tuy giản dị mà đúng cách. Bộ đồ bà ba, quần lĩnh đen, áo màu hoa cà, hợp với làn da trắng muốt, khiến người nhìn phải sững sờ!
Ly cà phê nóng được bưng ra, mùi thơm lừng chẳng khiến cho Hiệp bị quyến rũ bằng đôi bàn tay nõn nà, đang nhẹ nhàng đặt ly xuống và cất tiếng mời như rót mật vào tai:
- Dạ, mời... anh!
Rồi cô nàng quay trở lại chỗ ngồi cũ, vẫn co ro như lúc đầu, mắt nhìn ra ngoài như chẳng để ý tới ai chung quanh. Hiệp uống chưa hết ly cà phê thì trời đột ngột ngừng mưa. Bất ngờ như lúc bắt đầu, cơn mưa lại khiến cho Hiệp vừa ngạc nhiên vừa hài lòng. Anh nhìn đồng hồ đã hơn 7 giờ, anh nhẩm tính:
- Phải cỡ chín giờ thì mới tớí nơi được.
Hiệp vừa đứng lên kêu tính tiền thì bà chủ quán xuất hiện, bà hỏi thẳng vị khách trẻ:
- Cậu có về Hòn Chông không?
Rồi không đợi anh trả lời, bà ta nói luôn:
- Con nhỏ cháu đi Sài Gòn về, tới đây thì trễ giờ nên hết xe lam về nhà nó ở nửa đường đi Hòn Chông. Nếu cậu có về qua đó thì làm ơn...
Bỗng cô nàng lên tiếng:
- Dì hỏi mất công. Người ta về Hà Tiên mà. Thôi, tạnh mưa rồi để con đi bộ từ từ về nhà cũng được. Sáu bảy cây số thôi mà.
Hiệp ngước nhìn cô nàng đang đứng dậy, tay xách giỏ chuẩn bị đi, anh vụt nói:
- Để tôi đưa cô về!
Bà chủ quán reo lên:
- Gặp được người tốt bụng như cậu quả là trời thương cháu tôi rồi!
Hiệp ra mở cửa xe phía trước cho cô gái lên ngồi, anh giải thích:
- Tôi không rành đường, cô ngồi trước chỉ đường cho.
- Dạ, cám ơn anh.
Cô nàng ngồi gần, phả hương thơm rất lạ vào mũi Hiệp, khiến anh thích thú. Mặc dù không ưa phụ nữ xức nước hoa, nhưng hương thơm từ cô gái không phải do nước hoa, nên ngay giây đầu tiên Hiệp đã có thiện cảm và thầm nghĩ, nước hoa đâu có gì mà không ưa!
- Anh không phải là người xứ Hà Tiên này?
- Sao cô biết?
Thấy cách anh dò đường. Người gốc Hà Tiên thì không ai là không biết đường vào Chùa Hang, Hòn Phụ Tử.
- Thú thật, tôi từ Rạch Giá qua đây.
- Đi chơi thì không đúng rồi, vì không ai đi tham quan, du ngoạn mà đi một mình. Còn thăm bà con thì chắc cũng không đúng, bởi thăm viếng thì phải có quà cáp.
- Vậy theo cô thì tôi đi đâu?
- Đi coi mắt vợ phải không?
- Câu hỏi khiến Hiệp giật mình, ngơ ngác:
- Cô... cô lại biết...
Cô gái phá lên cười, giọng cười giòn tan rồi không nói gì thêm, đưa mắt nhìn ra ngoài. Hiệp biết mình hố nên nói chữa:
- Tôi... tôi chỉ có ý...