Buổi sáng hôm ấy, một đám đông nhốn nháo trước “nhà” Long khiến tôi chú ý. Chưa bao giờ tôi thấy một số người bằng một phần 20 số ấy có mặt trong dãy nhà hoang. Trong lòng dấy lên một linh tính chẳng lành, tôi vội chạy đến.Cảnh tượng trước mắt khiến tôi bàng hoàng.
Giữa đám đông chen chúc đang cố rướn cao cổ để nhìn rõ hơn, giữa một “căn phòng” bề bộn và hôi hám, một cậu bé gầy gò nhỏ thó đang nằm co quắp bất động. Dĩ nhiên đó chính là Long, cậu bé đánh giày.
Tôi thốt lên một tiếng hốt hoảng rồi chạy vội đến bên cầm lấy cánh tay cậu bé. Cánh tay cứng đờ và lạnh ngắt. Tôi đặt tay lên mũi Long. Mũi đã không còn hơi thở.
Long đã chết!
Cậu bé đáng thương nằm co quắp, 2 tay ôm chặt lấy đầu gối, đôi mắt nhắm nghiền, đầu gục sát vào ngực. Lúc qua đời, hẳn là Long mong muốn có 1 người ở bên mình lắm. Theo như những dấu hiệu trên cơ thể Long, theo như lời mọi người nói, thì Long chết vì cảm lạnh. Tuy nhiên, trên mặt Long có 1 vài vết bầm tím khiến tôi cảm thấy không tin vào điều đó lắm.
Hai ngày qua, tôi phải về Nam Định do công việc gia đình.Tôi không bao giờ tưởng tượng khi quay trở lại Hà Nội, tôi sẽ không thể nào gặp được Long nữa. Liệu có phải cậu bé chết do cảm lạnh? Lẽ nào những vết bầm tím trên mặt kia không nói lên được điều gì? Cá nhân tôi cho rằng khả năng Long chết vì cảm lạnh rất thấp. Bởi vì trải qua bao nhiêu năm tháng ăn sương nằm gió, lang bạt kỳ hồ, trải qua bao nhiêu đắng cay tủi nhục, thì dù cơ thể gầy gò, nhưng sức đề kháng của Long rất tốt. Nếu sức khỏe không tốt, hẳn Long đã chết từ lâu rồi chứ không phải đợi đến ngày hôm nay để chết vì cảm lạnh.
Công an có mặt rất nhanh sau đó. Họ phong tỏa hiện trường, đo đạc, khám nghiệm sơ bộ tử thi và kết luận một cách tự tin rằng Long chết do cảm lạnh. Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, Long đúng là bị cảm lạnh mà chết. Khi người ta hỏi ai là thân nhân của đứa bé, do Long không có ai thân thích ở Hà Nội, nên tôi tạm thời đứng ra kí tên vào biên bản khám nghiệm và một số thủ tục khác. Sau đó, thi thể Long được đưa về viện pháp y để người ta khám nghiệm chi tiết lại một lần nữa trước khi đưa vào nhà xác chờ thân nhân đến nhận.
Suốt một thời gian dài sau đó, hình ảnh đứa bé gầy gò ốm yếu nhưng hết sức ngoan ngoãn và thân thiện luôn lởn vởn trong tâm trí tôi. Vậy là, tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại đứa bé đáng thương ấy nữa. Không những thế, tôi cũng sẽ không có cơ hội được gặp riêng, nói chuyện riêng với Phương, người con gái mà tôi thầm yêu dấu nữa.Nghĩ đến bao nhiêu điều đó, ruột gan tôi thắt lại vì đau đớn.
Khi gặp Phương ở quán cơm.Nàng đưa mắt nhìn tôi trong lúc tôi cũng đang nhìn nàng. Cả 2 đều nghĩ đến Long. Đôi mắt Phương đỏ hoe, rơm rớm nước, nàng vội vã đưa thức ăn cho khách rồi lui vào phía sau như muốn chạy trốn. Tôi rất hiểu tâm trạng Phương lúc này.Nàng bị sốc trước sự việc vừa diễn ra.
Một tuần trôi qua.Lúc này đã là đầu mùa hạ.
Đêm ấy mưa to, gió giật đùng đùng.Tiếng mưa lộp bộp rơi trên mái tôn và tiếng gió gào thét khiến tôi không ngủ được. Tôi nằm mở to đôi mắt nhìn lên trần nhà tối đen và nghĩ về Long, về Phương và về quãng thời gian thực sự hạnh phúc của tôi mỗi khi được gặp Phương trong “nhà” Long. Tiếng gió cọ vào mái tôn xen kẽ với tiếng ù ù quen thuộc tạo nên những âm thanh thật thê thảm khiến người ta rợn người. “Cù… oẹt….. Cù….oẹt!!!…”.
Tôi chợt nghĩ, có khi nào gió đang cố gắng gọi tên mình không nhỉ?Cái âm “Cù oẹt” ấy, nếu đọc nhanh, thì nghe cũng giống “Quyết” lắm chứ.Nghĩ đến đây, tôi tự cười mình ngớ ngẩn rồi nhắm mắt vỗ về giấc ngủ.
Khi nhắm mắt lại, tôi nghe tiếng gió rõ ràng hơn. Tôi có cảm giác càng ngày những âm thanh ấy nghe càng giống tên mình: “Cù… uyệt… Cù…uyệt!!!…”. Một cảm giác bất an dấy lên trong lòng. Tuy nhiên, tôi cố loại bỏ nó ra khỏi đầu và kéo chiếc vỏ chăn lên sát mặt rồi rúc đầu vào đó.
Tôi nằm im không nhúc nhích trong tư thế đấy cho đến khi tiếng gió trở nên rất rõ ràng: “Qu…uyết…. Qu…uyết!”. Không còn nghi ngờ gì nữa, gió đang gọi tên tôi: “Quyết!”. Một luồng điện chạy dọc sống lưng khiến tôi rùng mình. Tôi đẩy chiếc chăn ra, căng mắt nhìn vào bóng tối.Mưa đã ngớt, tiếng gió cũng nhẹ hơn rất nhiều. Nhưng, rõ ràng, tiếng gọi “Quyết!” vẫn ko ngừng vang lên. Nếu như nó chỉ đơn giản là tiếng “Quyết” không thôi thì tôi có thể nghĩ đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đơn giản tiếng gió tạo ra như vậy. Nhưng mọi việc không dừng lại ở đó. Bởi một lúc sau, âm thanh trở nên dài hơn: ”Qu…uyết ….ơ….Qu…uyết ….ơ”. Tiếng gió đã rất nhẹ, nhưng tiếng gọi lại rất rõ. Nó thì thầm, kéo dài, giống hệt một người đang cố gắng gọi thầm tên tôi trong đêm tối trong khi không muốn người khác biết: “Qu…uyết…ơ..i…. Qu…uyết…ơ…i!!!”
Sợ đến mức tái người, tôi vội đứng lên bật đèn, rồi cầm chiếc gậy khều quần áo trong tay, tôi lấy hết can đảm mở chốt, bật tung cánh cửa và nói thật to: “Ai đấy?”
Ngoài trời tối đen.Những giọt nước đọng trên mái tôn rớt xuống sân kêu lên tanh tách. Cây xà cừ nhà hàng xóm đong đưa những tán cây theo nhịp gió, phát ra tiếng xào xạc. Nhưng không có ai gọi tên tôi, không có gì chứng tỏ ở đây vừa có người gọi “Quyết” cả.Vả lại, tiếng gọi cũng đã im bặt.
Tôi gạt mồ hôi trán, đóng cửa và bước vào.“Có lẽ là ảo giác.Chắc mình căng thẳng quá nên thần hồn nát thần tính.” – Tôi thầm nghĩ.
Vẫn để điện như vậy, tôi lại bàn học bật máy tính, đeo tai nghe vào và truy cập một số trang web nghe nhạc. Tôi cố ép mình không được nghĩ lại sự kiện vừa rồi nữa.Nghe nhạc chán, tôi chuyển qua xem phim. Đang say sưa với những pha hành động hoành tráng trong Spideman 3, tôi chợt giật mình.
Khi đến một cảnh có gam màu tối chủ đạo, tôi có thể nhìn thấy rất rõ khung cảnh phía sau mình thông qua sự phản chiếu của màn hình. Cửa đi, xe máy, ổ cắm điện và cửa sổ. Điều làm tôi giật mình là sau cửa sổ có một bóng người.
Một bóng người gầy gò, nhỏ bé đứng bất động.
Tôi quay ngoắt đầu lại, nhìn thẳng vào cửa sổ.
Chẳng có gì.
Tôi lại quay lại màn hình vi tính. Nhưng bộ phim đã qua một cảnh khác, tràn ngập ánh sáng. Không thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu trong những khung hình nhiều ánh sáng thế được. Tôi với tay tắt công tắc màn hình. Ánh sáng vừa tắt, màn hình lại ngay lập tức phản chiếu rõ nét khung cảnh sau lưng tôi. Rõ ràng là bên cửa sổ có 1 người đang đứng. Cụ thể hơn, là một đứa trẻ gầy ốm.
Long!
Tôi quay đầu lại cực nhanh. Nếu Long, hay bất cứ ai đang đứng ở cửa sổ, cũng không thể nào trốn kịp.
Vẫn không có gì.Khung cửa sổ im lìm nhìn tôi như muốn hỏi liệu cậu có bình thường không?
Tôi vớ vội chiếc gậy, tông cửa lao ra ngoài. Chẳng có ai.Những gì tôi thấy lúc nãy, giờ vẫn y nguyên như vậy.Không có một sự thay đổi nào gây nên được sự chú ý của đôi mắt tôi.
Tôi lại lao ngay vào phòng nhìn lại chiếc màn hình. Trên màn hình cũng chẳng có gì.Nó phản chiếu một cách trung thực nhất những gì nó thấy, tức là những gì sau lưng tôi.
Tôi dụi mắt nhìn lại một lần nữa.Đúng là chẳng có gì.Tất cả chỉ là ảo giác?Có lẽ, tôi đã nghĩ quá nhiều về Long trong trạng thái căng thằng, cộng thêm với những tình huống hồi hộp trong bộ phim đã khiến đôi mắt tôi phát sinh ảo giác?
Tôi rót một cốc nước đầy uống cạn, cố tự an ủi mình phải bình tĩnh. Rồi tôi cứ để điện như vậy, tắt phim, bật game lên và chơi đến sáng.
Một thời gian dài sau đó, không có chuyện gì xảy đến với tôi.Tôi cũng ít nghĩ hơn về Long và gần như đã quên hẳn đêm hôm ấy. Nếp sinh hoạt của tôi lại trở về như trước khi quen cậu bé. Tức là hàng tuần, tôi lại dành ra 2, 3 buổi tối để sang xóm trọ bên cạnh đánh bạc hoặc uống rượu, lại gặp Trang và cậu bạn trai “đóng phim” trên tấm bia đá mỗi khi về muộn. Tôi vẫn gặp Phương mỗi khi đến nhà nàng ăn cơm, nhưng ngoài việc nàng tỏ ra thân thiết với tôi hơn một chút so với mọi người, còn lại chẳng có gì đặc biệt.
Lúc này, cái nóng của mùa hè đã thực sự trở thành “sát thủ” đối với mái nhà lợp bằng tôn của tôi. Không khí trong căn phòng lúc nào cũng hầm hập như một lò hấp. Không lúc nào tôi tắt quạt, nhưng lượng gió quạt tạo ra chẳng thấm vào đâu so với nhiệt độ khủng khiếp của căn phòng.Vậy là tôi đối phó bằng cách tắm liên tục.Có ngày tôi tắm đến hơn chục lần.Vừa tắm xong lại tắm tiếp.Tuy “phương pháp” này có làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng hiệu quả của nó không được cao so với công sức bỏ ra. Sau khi tắm chỉ khoảng 10 phút là những giọt nước còn đọng lại trên người sờ vào đã thấy dính dính do pha lẫn cả mồ hôi. Khi đi ngủ, dù cánh quạt xoáy vào người, nhưng không lúc nào cái cảm giác nhầy nhầy của mồ hôi chịu rời bỏ cơ thể tôi. Vậy là, vào những buổi tối trong khoảng thời gian này, đêm nào tôi và bạn bè cũng thức rất khuya. Sau khi đánh bạc hoặc uống rượu, chúng tôi thường lượn lờ ở những quán trà đá xung quanh khu vực Hoàng Hoa Thám để cố quên đi cái nóng.
Một đêm nọ, sau khi nhẵn túi trong canh bạc, tôi hậm hực ra về. Lúc này đã là 1 giờ sáng. Bước vào ngõ Vĩnh Phúc, từ xa, một bóng người mặc áo trắng đang đứng trước khu nhà hoang thu hút sự chú ý của tôi. Tôi nép sát vào vỉa hè, cố đi thật nhẹ về phía nghĩa địa. Vừa đi, tôi vừa quan sát người lạ mặt. Đến một khoảng cách đủ gần, tôi nhận ra đấy chính là Trang.Cô ta đứng quay lưng về phía tôi. Đầu cô ả cúi xuống, tay hình như đang chắp trước ngực. Trang đứng yên lặng trong tư thế ấy trong một thời gian khá lâu.Rất tò mò, tôi tự hỏi cô ả đang làm trò gì ở đây? Lúc đấy, tôi bỗng phát hiện có một đốm sáng đỏ mờ nhạt dưới chân Trang. Thú thực là phải nhìn rất kỹ tôi mới nhận ra đốm sáng đấy. Nó quá mờ, mờ hơn cả những con đom đóm yếu ớt nhất.
Trang cứ đứng như vậy một lúc lâu.Tôi không nghe thấy cô ta nói gì, cũng chẳng thấy có hành động gì.Trang im lặng đến mức tôi phải tự hỏi không biết có chuyện gì xảy ra với cô ả không? Đúng lúc tôi hết kiên nhẫn và đang định bước ra, thì Trang nhúc nhích, cô ả co duỗi đôi chân rồi hướng về phía nhà mình đi như chạy. Rõ ràng là cô ả đã phải rất can đảm mới dám đứng một mình cạnh nghĩa địa vào giờ này.
Đợi Trang đi khuất, tôi tiến lại gần chỗ cô nàng vừa đứng. Bởi đốm sáng đỏ mờ nhạt kia vẫn còn ở đó. Đến nơi, tôi bất ngờ khi phát hiện ra đấy là một que hương đang cháy dở. Quan sát kỹ hơn, que hương được cắm lút hết phần cán xuống đất, chỉ phần thân hương nhô lên và đang tỏa khói. Khi que hương cháy hết, chắc chắn không ai có thể biết có người đã cắm hương ở nơi này.
Một vạn câu hỏi “vì sao” lập tức hiện ra trong óc tôi.Tại sao Trang lại thắp hương ở nơi này?Và có hương ở đây, cũng có thể dễ dàng suy ra tư thế của Trang lúc nãy là cầu nguyện hay khấn bái gì đấy. Vị trí cắm hương đối diện với căn nhà hoang mà Long từng ở. Vậy việc cô ả thắp hương và đứng khấn ở đây, liệu có liên quan gì đến cái chết của Long? Động cơ nào khiến cô ả vượt qua nỗi sợ hãi mà dám một mình ra đứng thắp hương ở nghĩa địa vào giờ này?Hẳn đấy phải là một động cơ rất mạnh mẽ và tác động mạnh lên cô nàng.Tâm trí tôi quay mòng mòng trước những câu hỏi mà tôi không thể tự trả lời được.Tôi gạt tất cả ra khỏi đầu rồi đứng dậy ngáp dài trước khi đi về.
Đêm ấy, đang ngủ ngon, tôi bất chợt cảm thấy có vật gì cọ nhẹ vào chân mình. Tôi giật mình ngồi bật dậy bởi vì ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi đó là rất có thể một con rắn đã bò vào nhà. Đã từng có rắn bò vào khu nhà này, nên tất nhiên là tôi không thể không đề phòng.Nếu bị rắn cắn thì thật nguy hiểm.Khi nhận thấy vật đang đè lên chân mình chỉ là chiếc quần rơi từ trên dây treo quần áo xuống, tôi thở phào nhẹ nhõm.Nằm nhắm mắt lại nhưng giấc ngủ không chịu đến với tôi.Tôi suy nghĩ miên man và lại nhớ lại cảnh Trang đứng thắp hương trước khu nhà hoang.Tôi phải hiểu như thế nào đây nhỉ? Tôi rất muốn cố gắng phân tích nhằm tìm ra một phương án khả dĩ có thể chấp nhận được, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.
Suy nghĩ thêm một lúc, mi mắt tôi nặng dần và tôi từ từ chìm vào giấc ngủ.Trong lúc nhập nhằng giữa tỉnh và mê, tôi bất chợt nghe thấy có tiếng thì thào.Tiếng nói kéo dài, nhẹ như một làn gió khiến đôi mắt tôi mở ra ngay lập tức. Tôi rùng mình, khắp người nổi đầy gai ốc. Lẽ nào cái ảo giác của hôm nào lại quay trở lại khủng bố tinh thần tôi? Tôi nằm yên không nhúc nhích và căng tai lắng nghe.
Đúng rồi, đúng là có tiếng người đang nói thầm bên ngoài cửa sổ.Không những thế, người ấy đang nói với chính tôi, đang cố gắng gửi đến tôi một thông điệp.
Giọng nói rất nhẹ, lặp đi lặp lại và kéo dài như được gió đưa đến khiến tóc tai tôi dựng ngược lên. Nếu như không nhận ra được giọng nói kia là của ai, thì có lẽ tôi đã cầm gậy chạy thẳng ra ngoài và hỏi xem kẻ nào trêu cợt mình. Nhưng tiếng nói ấy là của một người mà tôi đã từng biết, và người ấy chắc chắn là không thể trêu tôi vào lúc này được.
Đấy là giọng của Long, cậu bé đánh giầy.
“Anh Quyết ơi, em chết oan ức lắm!”