Rồi nhìn ra ngoài trời, Uyển giật mình nói:
- Thôi, tôi xin phép về nhà, trời đã tối rồi!
Vừa nói, Uyển vừa bỏ chân xuống đất loạng choạng đứng lên.
Người đàn ông ngồi im nhìn cô và nói nhỏ:
- Cô chưa đi nổi đâu! Cô cứ yên tâm ở lại đây nghỉ một đêm đi, tôi đảm bảo sẽ không xảy ra chuyện gì với cô đâu!
Uyển cười khẩy:
- Ông tưởng tôi còn sợ chuyện gì? Giờ đây đối với tôi tất cả không còn gì là quan trọng hết, cho nên dù chuyện gì xảy ra đi nữa cũng không làm tôi sợ hãi đâu, vì tôi đã nếm đủ hết rồi, đã đi tới cái tột đỉnh của khổ đau rồi ông ạ! Tôi muốn về là vì tôi không muốn ở lại đây thôi...
- Thế thì tùy cô, tôi không ép. Nhưng tôi nói trước, cô không đủ sức đi về đâu!
Người đàn ông buồn rầu nói.
Uyển không trả lời. Cô lần tay vịn vách tường lần mò ra cửa.
Đứng ở bậc cửa, Uyển không sao nhìn được ngoài kia là đâu, vì xung quanh cô chỉ là một màn đêm đen kịt, dày đặc như có ai đó lấy một tấm vải đen trùm lên hết bầu trời, không để sót lại một ngôi sao nào, dù là ở tận cuối chân trời xa thẳm đằng kia...
- Đây là đâu?
Uyển ngơ ngác hỏi.
Người đàn ông vẫn ngồi bất động trên ghế lên tiếng trả lời cô:
- Đây là cõi hư vô...
- Tôi không đùa với ông!
Uyển hét lên tức giận.
- Tôi cũng có đùa với cô đâu!
Người đàn ông điềm tĩnh nói.
Uyển quay phắt người lại, nhìn chăm chú vào mặt ông ta:
- Ông nói đi, nói cho tôi biết đi! Đây là đâu? Có cách xa nhà tôi lắm không? Ông đem tôi về đây bằng cách nào? Và bây giờ làm sao tôi mới trở về nhà tôi được?
Người đàn ông lấy ngón tay quệt ngang mấy giọt sáp đèn cầy đang nhễu xuống, ông đưa lên ngang mắt quan sát như nhà nghiên cứu đang cố tìm ra điều gì bí ẩn bên trong đó vậy. Mãi một lúc sau ông mới nói:
- Đây là một nơi không xa nhà cô mấy, nhưng cũng không phải là gần. Tôi đem cô về đây bằng cách nắm tay cô dẫn đi. Nếu cô muốn trở về nhà thì cô cứ bình thản lên chiếc giường này và ngủ một giấc, có vậy mới đủ sức khỏe mà về nhà chứ!
Uyển vô cùng tức giận trước câu trả lời kiểu huề vốn của ông ta. Cô muốn hét lên, muốn đập phá cho hả giận nhưng thật sự cô không còn mấy sức lực để làm việc đó.
Nước mắt trào ra, Uyển nghẹn ngào và bỗng nhiên cô thấy thật tội nghiệp cho thân mình quá! Cô đã và đang bị người đời giễu cợt. Người cô yêu thương giễu cợt cô, và bây giờ đến một người hoàn toàn xa lạ này cũng đem cô ra làm trò đùa nữa hay sao?
Chừng như đọc được ý nghĩ của Uyển, người đàn ông chậm chạp đứng lên đi ra cửa nhẹ nhàng dìu cô trở lại giường và nói:
- Cô đừng nghĩ tôi đang đùa giỡn với cô. Những gì tôi nói với cô là sự thật hoàn loàn. Đây là một nơi lơ lững giữa hai cõi âm dương, là nơi mà những vong hồn vất vưởng tạm lấy làm chốn nương thân chờ ngày mãn số...
Uyển kinh ngạc:
- Ông nói sao? Đây là nơi... là nơi của những vong hồn...?
Người đàn ông khe khẽ gật đầu.
- Vậy là tôi đã chết rồi sao?
Uyển hỏi như reo lên.
Người đàn ông lắc đầu:
- Không, cô vẫn chưa chết! Giờ này thân xác cô vẫn còn ấm nóng, trái tim cô vẫn còn đập dù nó đã rất mệt mỏi rồi. Giờ này ở nhà cô mọi người đang ra sức chạy chữa để cô được sống lại... Cô hãy nghỉ ngơi đi, nghỉ ngơi cho lại sức rồi quay về đoàn tụ với họ...
Uyển níu lấy tay người đàn ông khóc ròng:
- Không... không...! Tôi xin ông, tôi xin ông hãy cho tôi ở lại đây, đừng bắt tôi phải trở về nơi đó... Tôi chán sống kiếp người lắm rồi ông ơi…
Người đàn ông vỗ nhè nhẹ lên bờ vai đang run lên theo từng cơn nức nở của Uyển, ông ấn cô ngồi xuống giường và nói:
- Cô có biết cuộc sống ở đây như thế nào không mà đòi ở lại đây? Ở đây không hề có ánh mặt trời, cũng không có trăng sao. Tất cả chỉ là màn đêm đen tối hoặc ánh sáng mờ nhạt âm u... ở đây không có tiếng cười, không có gì cả... Đã rất nhiều người ân hận khi tới đây. Cuộc sống ở trần gian tuy lắm khổ đau nhưng vẫn có ý nghĩa, còn ở đây ngày tháng cứ lê thê, linh hồn vất vưởng, sống không ra sống, chết không ra chết. Muốn trở về dương thế cũng không được, mà muốn xuống âm ty cũng không xong. Trở thành những kẻ vô thừa nhận, tồn tại mà như không tồn tại, hiện diện đó mà như không hề có mặt... Cuộc sống như thế đau đớn lắm cô à… Tại vì cô chưa trải qua, cô cứ nghĩ tìm tới cái chết là trốn chạy được bao nhiêu niềm đau mà mình phải đeo mang, nhưng cô có biết không, nơi này chính là nơi nỗi đau đớn hiện diện rõ ràng nhất. Cô hãy nghe lời tôi đi, cô phải quay về vôi cuộc sống của mình... Rồi tất cả những nỗi đau kia sẽ nguôi dần theo năm tháng... Không có cái gì tồn tại mãi với thời gian đâu, cô nên nhớ điều đó để đừng quá bi quan. Hết mưa chắc chắn trời lại sáng!
Người đàn ông nói thật nhiều nhưng không sao lay chuyển được Uyển.
Cô cứ khóc ròng, cứ một hai đòi được ở lại đây mà không chịu về nhà.
Uyển rất sợ cảnh ngày ngày phải chạm mặt vợ chồng Khiêm, phải chứng kiến họ bên nhau hạnh phúc, cô biết sức mình sẽ không chịu đựng nổi cảnh đó đâu.
- Tôi cũng đã lầm tưởng như cô! Tôi đã quá phẫn uất khi người vợ mà tôi hết lòng yêu quí cưng chiều lại đi cấu kết với thằng bạn thân nhất của tôi để hãm hại tôi. Mất vợ, mất cả gia tài, lại còn phải mang nhiều điều tiếng không hay, tôi đã dại dột tìm tới cái chết. Cứ tưởng thế là xong, thế là chấm dứt được mọi nỗi đau trần thế. Nhưng cô có biết không, ở đây, ngày ngày tôi lại nghe được, thấy được những cảnh âu yếm của vợ tôi và người đàn ông đó, những cảnh mà nếu còn sống thì tôi sẽ không chứng kiến được đâu, rồi tôi còn thấy được nỗi đau của các con tôi. Tôi hối hận quá, nhưng tất cả đã muộn màng rồi. Giờ đây tôi chỉ là một linh hồn nhỏ bé, nghe được, thấu hiểu được hết mọi điều nhưng lại không làm gì được, không giúp gì được cho các con tôi. Giả sử như tôi còn sống thì mọi việc sẽ khác đi. Có thể tôi mất vợ, mất gia tài, mất danh dự... mất tất cả nhưng tôi còn có thể lo được cho các con, còn có thể yêu thương chúng... Nếu cô chết đi, ngày ngày nhìn thấy gia đình mình, thấy mẹ mình, cô sẽ không chịu nổi đâu. Và ngay cả những điều mà cô muốn trốn tránh, những điều mà vì nó cô mới tìm tới cái chết... cô cũng không sao trốn được. Cô sẽ phải chứng kiến nó mỗi ngày, đối diện nó mỗi ngày...
Người đàn ông vẫn kiên nhẫn phân tích điều hơn lẽ thiệt cho Uyển nghe.
Cô khóc lả người và không ngồi vững nữa mà từ từ nằm xuống rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Có tiếng ồn ào, tiếng chân bước vội vã làm Uyển chợt thức giấc. Vừa hé mắt ra, một luồng ánh sáng chói lòa làm cô vội vàng nhắm ngay lại. Một lúc sau mới từ từ mở ra lần nữa.
- Ô kìa, lạ chưa? Đây là căn phòng quen thuộc của cô mà? Và trước mắt cô là gương mặt gầy gò của mẹ. Ôi, sao tóc mẹ lại bạc nhiều thế kia? Uyển muốn kêu lên, nhưng cô chỉ mới mấp máy môi chưa kịp phát ra tiếng đã nghe mẹ cô reo lên mừng rỡ:
- Tỉnh rồi! Nó tỉnh lại rồi!
Có tiếng người nói chuyện lao xao, rồi có vật gì đó chạm khẽ vào môi Uyển. Cô nhận thấy môi mình ấm và ướt. Đúng rồi, chắc mẹ đang cho cô uống nước, chỉ có mẹ mới biết Uyển đang khát cháy cả cổ đây!
Uyển hé môi cố nuốt trọn những giọt nước ít ỏi mà mẹ thấm vào môi mình rồi mở hẳn mắt ra.
Mẹ, dì và những người thân yêu đang đứng quanh cô, nét mặt ai cũng căng ra, vừa lo lắng vừa mừng rỡ.
Thấy Uyển mở mắt và có vẻ đã nhận biết được mọi người xung quanh, mẹ Uyển òa khóc:
- Trời ơi, cảm ơn trời phật thương tình! Con tôi đã tỉnh lại rồi! Hai hôm nay con làm mẹ lo sợ biết bao...
Uyển cố nhấc tay mình lên để nắm lấy tay mẹ. Nước mắt cô cũng lăn dài, nhưng bây giờ không còn là những giọt nước mắt khổ đau nữa mà là những giọt nước mắt hối hận vô biên.
Uyển đã nhớ lại tất cả, nhớ việc tự tử không thành, nhớ lại cõi hư vô mà hồn mình đã tới và nhớ rất rõ những lời người đàn ông đã nói.
Bây giờ thì cô đã thật sự hiểu rồi!
Hai ngày sau nữa thì Uyển đã hoàn toàn tỉnh táo. Cô ăn uống và lại sức rất mau.
Dù mẹ ngăn cản nhưng Uyển vẫn nhất định bắt tay vào công việc buôn bán như bình thường.
Người xa lạ nhìn vào không thể tin được cô chính là kẻ đau khổ vì tình mới vừa suýt chết. Cô làm việc, nói cười một cách bình thản như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Một vài người tốt bụng thấy cô như thế cũng thầm ái ngại trong lòng, còn những kẻ xấu thì tò mò, muốn hiểu rõ tâm tư Uyển nên nhiều lần thử nhắc tên Khiêm trước mặt cô:
- Nghe nói vợ chú Khiêm vừa cấn bầu rồi, nhanh thiệt cô Uyển há? Mới cưới đây mà...
Uyển trả lời tỉnh bơ:
- Hai người đó cũng đâu còn trẻ tuổi gì nữa, phải để cho người ta tranh thủ có con chứ, kẻo không sau này cha mẹ già nuôi con mọn thì khổ!
Người ta quá bất ngờ trước thái độ tỉnh queo của Uyển, họ không chấp nhận kết quả đó, mà cái họ muốn là phải trông thấy Uyển đau đớn hoặc ít ra cũng phải tái mặt quay đi để che giấu cảm xúc. Bởi thế khi chăm chú nhìn vẫn không thấy gì khác ngoài sự dửng dưng, họ lại bồi thêm một cú nữa đau hơn để thử thách cô:
- Chú Khiêm lấy vợ rồi, bao giờ thì đến lượt cô Uyển lấy chồng đây?
Uyển phá ra cười:
- Khi nào có người đến hỏi cưới thì cháu mới lấy chồng được chứ, chẳng lẽ dì bảo cháu chạy ra đường lấy đại một người về làm chồng sao?
Chính thái độ dửng dưng và những câu pha trò tếu táo của Uyển đã giúp cô tránh được sự xoi mói của những người nhiều chuyện. Bởi vì những người đó chỉ cảm thấy thích thú khi lời nói của mình làm cho người khác đau đớn hoặc xấu hổ mà thôi! Chứ một khi không làm được điều đó thì họ chán, không thèm quan tâm nữa.
Thật ra trong sâu thẳm lòng Uyển, cô vẫn chưa quên Khiêm được. Làm sao có thể quên đi một người mà mình đã hết lòng thương yêu một cách nhanh chóng như vậy được? Nhưng Uyển đã xác định được một điều, dù cô thương yêu cách mấy thì cô cũng không giữ được Khiêm, dù cô đau khổ cách mấy cũng không làm được gì hòng cứu vãn... Vậy thì thôi, cô sẽ cố gắng quên, cố gắng sống vui để ít ra mẹ cô và những người thân bên cạnh được yên lòng, không phải lo lắng gì thêm cho cô nữa.
Cô thầm nhủ với lòng, một kẻ khốn nạn như Khiêm không xứng đáng để cô phải rơi nước mắt. Chẳng qua cô khóc là vì tự thương lấy bản thân mình thôi, là vì thấy mình sao khờ khạo quá, ngây thơ quá, bị người ta lừa gạt đến trắng tay mà vẫn không hay biết, chỉ biết được khi người ta thẳng thừng đá cho một đá đau điếng cả người!
Thôi, tất cả những gì mất đi cô cố xem như là một tai nạn. Cô tự an ủi mình: Tại phần số mình nó vậy. Không giữ được thân, không giữ được tiền của.
Thì cứ coi như mình vừa trải qua một tai nạn thập tử nhất sinh, thân thể và tinh thần đều bị thương tổn nặng nề, bầm dập tả tơi... mình phải bỏ ra một số tiền lớn mới cứu được mạng sống. Thế đấy, hãy xem là như thế để đỡ phải đau buồn...
Ngày ngày, Uyển luôn nhắc nhở mình điều đó, riết rồi như một phép tự kỷ ám thị, cô cảm thấy như đó là một sự thật, thế cho nên nỗi đau cũng dần dần sớm nguôi nhạt trong cô.
Nói về vợ chồng Khiêm. Lúc mới cưới ai nhìn vào cũng cho đó là một cặp vợ chồng vô cùng hạnh phúc, xứng lứa vừa đôi.
Diễm - vợ Khiêm, là một trong những mối hàng của mẹ Uyển. Do sự giao tiếp làm ăn nên hai người thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc nhau. Khiêm lóa mắt vì sự hào nhoáng bên ngoài của Diễm. Còn Diễm, cô chẳng yêu thương gì Khiêm, chẳng qua cô có một người tình là Việt kiều, nhưng anh ta là người đang có vợ con, nên mối quan hệ giữa Diễm và anh ta chỉ nằm trong bóng tối.
Do bất cẩn, Diễm đã có thai với anh chàng Việt kiều đó, cô lại không muốn phá bỏ cái thai đó đi vì cô thật sự yêu thương người đàn ông ấy, cô muốn có với người đó một kỷ niệm không thể phai nhòa.
Nhưng đồng thời Diễm cũng không muốn thanh danh mình ô uế, không muốn mình trở thành đầu đề bàn tán của những kẻ ngồi lê đôi mách, và cô cũng muốn đứa con mà cô sinh ra sẽ được sống trong một gia đình đàng hoàng như bao nhiêu đứa trẻ khác.
Sau nhiều lần tiếp xúc với Khiêm, Diễm nhận thấy Khiêm là một thanh niên đẹp trai, ăn nói khôn ngoan có thể giúp đỡ cho cô trong việc buôn bán. Mà quan trọng hơn cả, Diễm nhận ra được một điều, nếu có đồng tiền trong tay thì cô sẽ rất dễ dàng điều khiển Khiêm theo ý muốn của mình!
Chính vì lý do đó mà Diễm đã chọn Khiêm làm cha cho đứa con mà cô đang mang trong bụng.
Khiêm lại không biết những điều đó. Khiêm cứ ngỡ Diễm bị khuất phục bởi vẻ đẹp tài tử và những lời ngọt ngào đường mật của mình.
Thật sự trong lòng Khiêm cũng có một chút tình cảm với Uyển chứ không phải không có. Tuy nhiên tình cảm đó không đủ lớn để đè bẹp được lòng tham của Khiêm.
Khiêm biết Uyển đã dốc hết tiền cho mình rồi, hai người cưới nhau về sẽ phải làm lại từ đầu thôi, vì gia đình Uyển cũng đâu giàu có gì đâu, chẳng qua do Uyển biết lo xa, biết dành dụm nên mới có được số vốn đó mà thôi.
Còn nếu Khiêm lấy Diễm thì nghiễm nhiên sẽ trở thành chủ nhân của ngôi nhà lầu ba tầng ở ngay mặt tiền, cộng với mấy lô đất ở toàn những nơi đắc địa mà trong tương lai có thể tính từ tiền tỉ trở lên.
Khiêm tưởng thế nên đã thật nhẫn tâm đối với Uyển, có như vậy mới nhanh chóng rũ bỏ được Uyển, tránh được những lằng nhằng không tốt về sau.
Và cũng vì tưởng thế nên Khiêm giống như người bị té từ trên cao xuống khi phát hiện ra Diễm đã có thai với người khác trước khi về làm vợ mình!
Cắn răng nuốt nhục, cố gắng nghĩ tới gia tài đồ sộ của Diễm để tự an ủi mình, nhưng một lần nữa Khiêm đau điếng người khi biết toàn bộ gia sản, Diễm đã rất khôn ngoan để riêng ngoài danh mục tài sản chung của vợ chồng! Có nghĩa là Khiêm cưới Diễm nhưng sẽ không xơ múi gì được vào gia tài của Diễm!
Hồi chưa cưới, đối với Khiêm, Diễm rất hào phóng. Nhưng khi cưới nhau rồi Diễm lại chi li từng đồng, kiểm soát từng đồng, hôm nào Khiêm lỡ vui với bạn bè chi tiêu hơn số tiền qui định mỗi ngày là hôm đó Diễm nổi tam bành, không nể nang gì tới mẹ chồng:
- Anh đừng có tưởng tôi là cái mỏ vàng để anh đào khoét đâu nhé! Tôi làm ra tiền cũng cực khổ vất vả lắm, nuôi anh, nuôi cả gia đình ăn mặc đầy đủ vậy là quá tốt rồi, anh đừng được nước làm càn...
Khiêm chỉ biết nhịn nhục cho qua. Khiêm rất muốn quát mắng lại, nhưng biết nói sao đây? Khi biết ra sự thật người ta sẽ còn chê cười chứ đâu có ai bênh vực hay thương hại mình đâu! Nghĩ vậy nên Khiêm không bao giờ dám nhắc tới chuyện cái thai trong bụng Diễm.
Diễm được nước càng ngày càng lấn tới. Cuộc sống vợ chồng đối với Khiêm lúc này thật sự giống như một địa ngục ở ngay giữa trần gian.
Và hơn lúc nào hết, Khiêm cảm thấy ăn năn hối hận vì những điều mình đã làm đối với Uyển.
Đã nhiều lần vô tình gặp Uyển trên đường, Khiêm chỉ muốn gọi Uyển đứng lại để nói với cô một lời xin lỗi nhưng tiếng nói tắt nghẹn nơi cổ họng, không sao thốt lên lời được.
Khiêm suy nghĩ, tính toán đủ mọi bề, muốn có được một số tiền kha khá để trả lại cho Uyển hòng để lương tâm mình nhẹ đi đôi chút, nhưng hoàn toàn không có cách nào khả thi.
Bời vì, sống với Diễm trên danh nghĩa vợ chồng, nhưng thực tế Khiêm chỉ là một kẻ làm công không hơn không kém. Mỗi ngày Khiêm được Diễm phát cho mấy ngàn đủ để cà phê, thuốc lá. Cơm ăn áo mặc đã có Diễm lo, Khiêm không còn cơ hội nào tiếp xúc với tiền bạc nữa.
Mà cái số vốn riêng của Khiêm trước đây do Uyển đưa cho cũng đã bị Diễm sáp nhập vào vốn của mình, nên hiện tại Khiêm trở thành kẻ trắng tay.
Đôi khi Khiêm chán nản, muốn chia tay Diễm, nhưng nghĩ lại Khiêm không đủ can đảm. Vì dẫu sao giờ đây cuộc sống của Khiêm và mẹ Khiêm vẫn được đảm bảo no cơm ấm áo. Nếu buông Diễm ra, Khiêm phải ra đi với hai bàn tay trắng, chắc chắn Uyển không bao giờ chấp nhận Khiêm lần nữa, rồi Khiêm biết sống sao đây?
Lâu nay Khiêm đã quen sống dựa vào Uyển, vừa buông Uyển ra Khiêm đã dựa ngay vào Diễm rồi Khiêm không nghĩ mình có thể tự đứng vững một mình được.
Thế cho nên dù cay đắng lắm, bực bội lắm, nhục nhã lắm nhưng Khiêm vẫn phải cắn răng nín chịu không một lời than oán cùng ai. Và giờ đây, thỉnh thoảng Khiêm lại cười thầm mai mỉa mình: "Bụng làm dạ chịu chớ có than van...!"
Trong một lần cãi nhau kịch liệt với Diễm, Khiêm điên tiết muốn ra tay phá hủy tất cả rồi mọi việc có ra sao thì ra. Giữa lúc hừng hực đó, có người tới trả cho Diễm một món tiền lớn. Diễm đang ở nhà sau, cũng giống như những lúc Diễm đi đâu vắng nhà, Khiêm ký nhận thay Diễm. Những lần trước không bao giờ Khiêm dám giấu nhẹm số tiền mình nhận để tiêu xài riêng, vì Khiêm rất sợ những trận tam bành của Diễm.
Riêng lần này, Khiêm đang nổi máu điên, không còn nghĩ gì tới hậu quả nữa. Vừa đút túi số tiền gần chục triệu đồng, Khiêm nhanh nhẹn thay quần áo bỏ đi ra ngoài.
Nỗi cay đắng dâng lên ứ nghẹn trong Khiêm. Mang danh chồng Diễm, dù gì cũng là một ông chủ nhỏ vậy mà cả cái xe gắn máy của mình, do chính Uyển mua cho, mà mình cũng không được làm chủ.
Toàn bộ giấy tờ Diễm cất giữ hết, khi nào cần đi đâu phải nói rõ ràng nơi đi nơi đến, khi nào được sự đồng ý của Diễm thì cô ta mới đưa giấy tờ, chìa khóa xe cho...
Khiêm vừa làu bàu đá văng một chiếc vỏ chai bên đường thì vừa lúc chiếc xe đò Sài Gòn trờ tới.
Đang chán đời, muốn bỏ đi đâu đó cho khuây khỏa mà chưa biết đi đâu trong cái địa phương nhỏ xíu này, trông thấy chiếc xe đò đang bóp kèn tin tin, gọi khách, một ý nghĩ lóe lên trong đầu Khiêm. Thế là Khiêm nhảy tót lên xe, nghiễm nhiên đi Sài Gòn một chuyến, và lòng Khiêm cảm thấy lâng lâng, trong túi mình có đến chục triệu, lo gì!
Lên tới Sài Gòn, Khiêm trở nên lúng túng. Không quen ai, không biết đường đi nước bước ở nơi đây, Khiêm cứ lớ ngớ đúng như câu "dân quê lên tỉnh".
Trời sắp tối rồi, chẳng lẽ bây giờ lại đón xe quay ngược trở về? Không, không thể được! Mình phải làm cho nó một trận để nó biết mặt mà nể nang mình, không cho nó trèo lên đầu lên cổ mình nữa! Hừ, đừng tưởng ông đây là con rối trong tay muốn giật kiểu nào thì giật! Tức nước sẽ vỡ bờ thôi cô ạ! Tôi phải trả thù cô, cho cô biết mặt!
- Anh Hai ơi, anh đi đâu mà nãy giờ tôi thấy anh cứ loanh quanh ở đây hoài vậy? Anh đi đâu lên xe tôi chở đi cho, lấy giá rẻ thôi mà, đừng sợ...
Một anh xe ôm rề sát bên Khiêm chào mời.
Khiêm lúng túng, nói dối:
- Tôi... à, tôi tìm nhà người quen mà bỏ thất lạc địa chỉ rồi, nên không biết đi đâu...
- Anh có nhớ nhà người quen của anh nằm ở đoạn đường nào? Phường nào, quận nào không? Tôi sẽ chở anh đến đó hỏi thăm từng nhà...
Người xe ôm nhiệt tình.
Khiêm thoái thác:
- Không... không... Tôi... tôi không nhớ đường nào cả!
- Nhưng chắc ở quận nào thì anh nhớ chứ?
Người xe ôm vẫn không thôi.
Khiêm đáp bừa:
- Nhớ, ở quận Năm!
Anh xe ôm cau mày suy nghĩ một lát rồi reo lên:
- Tôi nghĩ ra rồi, bây giờ tối rồi, anh không thể tìm được nhà ngay đâu! Để tôi chở anh đi tìm một phòng trọ nào đó nghỉ đỡ đêm nay, rồi sáng mai anh ra ủy ban phường, nói tên họ, quê quán của người quen, cán bộ ở phường họ tra sổ sẽ tìm ra ngay thôi mà!
Khiêm chẳng quan tâm gì đến chuyện tra sổ tra sách nhưng nghe nói tới phòng trọ nghỉ qua đêm là Khiêm đồng ý liền, vì lúc này Khiêm cũng rất cần một nơi để nghỉ qua đêm nay.
Anh xe ôm nhiệt tình chở Khiêm đi vòng vòng, bảo là để kiếm nơi nào vừa sạch sẽ vừa giá cả phải chăng. Cuối cùng, anh ta dừng lại trước một căn nhà trông có vẻ khá sang trọng và nói với Khiêm:
- Anh vô đây nghỉ đi, ở đây người ta tính giá bình dân lắm, đừng thấy nhà cửa sang vậy mà sợ!
Rồi anh ta nháy mắt nói thêm:
- Nếu anh có nhu cầu, thì cái khoản "em út" kia cũng có sẵn, cũng rất bình dân…
Khiêm cười, trả tiền xe và nói mấy câu cảm ơn xã giao rồi lững thững đi vào.
Ngay đêm đó, sẵn có tiền trong tay, sẵn đang muốn trả thù Diễm, sẵn đang buồn tình... Rất nhiều cái sẵn ấy đã khiến Khiêm lần đầu tiên buông thả mình vào vòng tay mơn man của đám gái làng chơi đặc mùi son phấn rẻ tiền!
Khi đã thỏa mãn và ngủ một giấc ngon lành, sáng ra Khiêm bắt đầu cảm thấy hơi lo lo khi số tiền trong túi mình đã vơi đi quá nữa. Tiền xe, tiền trọ, tiền cho khoản tế nhị kia cũng không đến nỗi hao phí như vậy, chỉ là do trong lúc bốc đồng, Khiêm đã vung tay boa cho các em một cách quá trớn để được thấy mình trở thành một người đàn ông đáng nể trong mắt các em.
Sáng, không kịp uống ly cà phê, Khiêm vội vã ra bến xe để trở về nhà, trong đầu đang vạch ra nhiều lý do để đối phó với Diễm. Khi cơn điên của Khiêm đã qua đi, Khiêm lại trở vê là một thằng đàn ông vô cùng hèn hạ!
*
* *
Lần đó, khỏi phải nói cũng biết Khiêm phải chịu đựng những lời mắng chửi, khóc lóc và nguyền rủa đến mức nào của Diễm, và cũng từ hôm đó, Khiêm càng bị Diễm quản lý chặt chẽ hơn.
Diễm sinh con, một bé gái nặng ba ký tư xinh như một con búp bê. Mọi người xung quanh ai gặp Khiêm cũng chúc mừng, ngay cả mẹ Khiêm cũng quýnh quáng mừng vui lo lắng cho cháu nội, chỉ riêng mỗi một mình Khiêm là thờ ơ như chuyện đó không có gì dính dáng tới mình. Mà không dính thật! Chỉ mỗi Khiêm và Diễm biết điều đó.
Từ ngày có con, Diễm càng coi Khiêm không ra gì mẹ con Khiêm ngày càng giống những người ở đợ trong nhà Diễm.
Không chịu đựng nổi sự hà khắc vô lý của con dâu, mẹ Khiêm dù rất quyến luyến cháu nội nhưng cũng đành bỏ về ở nhà mình.
Bởi vì, mỗi lần bà bế con bé thì Diễm lại giằng lấy khi thì lấy cớ cho nó uống sữa, khi thì thay áo thay quần cho nó. Bà nhận ra rõ ràng Diễm không muốn bà chạm vào con gái của cô!
Đã có đôi lần bà than phiền với Khiêm về điều đó nhưng Khiêm chẳng nói chẳng rằng, chỉ lắc đầu một cách ngao ngán.
Mãi đến một hôm, không chịu đựng nổi, bà gay gắt với Khiêm:
- Mày phải dạy vợ mày lại chứ! Dù sao con bé cũng là cháu nội của tao, phải cho tao cái quyền được bồng ẵm nó chứ!
Khiêm cười cay đắng và nói như bâng quơ khiến bà cảm thấy hết sức hoang mang:
- Thì mẹ cứ nghĩ nó không phải là cháu nội của mẹ đi, như vậy sẽ khỏe hơn! Như con vậy, mẹ có bao giờ thấy con đụng tới đứa bé chưa?
- Con nói sao? Con bé đó...
Bà mẹ hấp tấp hỏi.
Khiêm lảng đi:
- Con đâu có nói gì! Hoàn toàn không nói gì, mẹ muốn hiểu sao tùy mẹ...
Nói xong Khiêm bỏ đi ra ngoài để lại bà mẹ với thật nhiều thắc mắc trong lòng.
- Đúng rồi! Từ hồi vợ nó sanh tới hôm nay, chưa khi nào thấy nó ngó ngàng tới con bé... Lẽ nào... lẽ nào đứa bé đó không phải là con của nó? Mà cũng có thể lắm chứ! Xét ra con bé đâu có nét nào giống thằng Khiêm nhà mình đâu? Trời ơi... chẳng lẽ mẹ con mình thật sự bị quả báo hay sao hở Khiêm?
Bà khóc một lúc rồi rón lén vào phòng đứng ngắm con bé, cố tìm ra một chút gì đó phảng phất giống Khiêm để lòng già được an ủi, nhưng thật sự dù có cố gắng đến đâu bà vẫn không tìm được chút gì hình ảnh con trai bà trên người của đứa bé.
Buồn tủi, thất vọng, day dứt lương tâm, bà lặng lẽ cuốn gói về lại nhà mình và ngày ngày nhớ lại cái hôm thằng Khiêm vui vẻ đem tiền về cho bà sửa lại nhà:
- Uyển đưa cho con bảo sửa lại nhà, hôm rồi tới chơi thấy mưa dột ướt chỗ mẹ nằm cô ấy không chịu nổi!
Nước mắt bà lăn dài trên đôi má nhăn nheo sầu muộn...
Khiêm đã quen rồi với cuộc sống bị kìm kẹp đầy tủi nhục, và Khiêm cũng không còn mong mỏi điều chi nữa, Khiêm tự dặn mình ráng mà sống để trả cho đời những gì mình đã vay mượn.
Vì nghĩ vậy nên Khiêm không lần nào gây gổ với Diễm nữa. Diễm sai biểu gì Khiêm cũng làm, nói gì Khiêm cũng gật. Khiêm bắt mình phải đóng tròn vai một người máy, một con chó trung thành chỉ biết tuân lệnh chủ.
Cứ tưởng đã nhẫn nhục vậy rồi thì cuộc sống của Khiêm sẽ được bình yên cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Nhưng không ai biết được chữ ngờ, Khiêm lại vướng vào một căn bệnh nan y không thuốc chữa!
Mới đầu Khiêm chỉ đau ốm xoàng thôi, cũng không quan tâm tới chuyện thuốc men gì, vì cứ nghĩ giống như những lần trước, nóng lạnh, cảm ho gì cũng mặc, bỏ thí vài hôm sẽ tự khỏi.
Nhưng lần này thì nó không khỏi mà cứ kéo dài ra mãi và còn sinh ra nhiều chứng khác đi kèm. Đến nỗi Diễm đâm lo, không biết Khiêm có bị bệnh truyền nhiễm gì không, sợ sẽ lan truyền sang con gái bé bỏng yêu dấu của mình, nên đích thân Diễm đã đốc thúc và dẫn Khiêm đi lên bệnh viện tỉnh để khám.
Coi bộ Khiêm không phải bệnh xoàng, vì người ta làm rất nhiều xét nghiệm, mà toàn những xét nghiệm quan trọng, không lấy kết quả liền được mà họ hẹn đến mấy ngày sau.
Khiêm thì vẫn vô tư, không hề lo lắng gì nhưng Diễm lại nơm nớp hồi hộp.
Đến ngày hẹn, Diễm đi lấy kết quả thật sớm, và đất trời như đảo lộn quanh Diễm khi cô biết Khiêm đang vướng phải căn bệnh thế kỷ mà ai ai cũng đều sợ hãi. Khiêm đã bị nhiễm HIV!
Đau đớn, hoảng loạn và căm tức, Diễm lồng lộn chửi mắng Khiêm rồi tức tốc bế con đi xét nghiệm.
Những ngày chờ đợi kết quả là những ngày dài khốn khổ nhất của Diễm.
Cô có cảm giác lưỡi hái tử thần đang kề sát vào cổ cô, chỉ chờ một hiệu lệnh là nó sẽ lập tức cứa sâu vào...
Nhưng may mắn thay, cả Diễm và đứa bé đều bình an vô sự!
Diễm mừng như điên.
Ngay hôm đó, cô đã nói thẳng cho Khiêm biết chứng bệnh mà Khiêm đang mắc phải và thẳng thừng đề nghị ly hôn.
Khiêm sững sờ trước hung tin, rồi bỗng cười lên sằng sặc khi nghe lời đề nghị của Diễm.
Thấy Khiêm cười như điên loạn, Diễm đâm ra sợ hãi, cô không dám nặng lời với Khiêm nữa mà nhỏ nhẹ dỗ dành.
Cô đồng ý chi cho Khiêm một số tiền lớn để Khiêm chữa bệnh với điều kiện Khiêm đồng ý ly hôn và không bao giờ tới đây làm phiền cô nữa.
Khiêm đồng ý ngay, không phải vì số tiền Diễm hứa cho mà là vì hiện tại Khiêm đã hiểu cuộc đời mình sắp kết thúc rồi! Mình phải trả cả vốn lẫn lời cho những gì mình đã vay trước kia. Khiêm không muốn gây thêm khó khăn cho người khác nữa…