Vừa tốt nghiệp khóa nghiệp vụ hành chính cao cấp xong, Đỗ Hoàng nhận lệnh về trấn giữ một huyện miền núi xa xôi hiểm trở. Là một quan huyện trẻ tuổi, chưa vợ, nên cuộc sống ở nhiệm sở mới của Hoàng có phần khó khăn. Anh dọn về ở tại một công thự vốn dành cho người tiền nhiệm, mà khi chuyển đi, ông ta và gia đình đã dọn ra không chừa lại thứ gì. Ngày đầu tiên mới tới công đường, Đỗ Hoàng đã gặp ngay một chuyện lớn. Người ta báo tin một dịch bệnh mới bùng phát ở một làng trên thượng nguồn dòng sông duy nhất chảy qua huyện lỵ. Tình hình này không khéo dịch sẽ lây lan nhanh chóng cho xem!
Một mặt tổ chức mấy đoàn cứu trợ, chữa bệnh cho dân; mặt khác Đỗ Hoàng báo động về tỉnh nhờ chi viện phương tiện cấp cứu. Nhưng chi viện chưa kịp tới thì ngay sáng hôm đó dịch đã lan tới sát thị xã.
Không chậm trễ, Đỗ Hoàng cùng với gần một chục thuộc cấp đã đi ngay về một xã giáp với thị xã, xã Đơn Hóa. Nơi đây chỉ trong vòng vài giờ đã có gần chục người ngã bệnh và bốn năm người đã chết mà chưa kịp uống giọt thuốc nào! Bức bách quá, đích thân Hoàng phải xăn tay áo tham gia nhóm cấp cứu. Anh ra lệnh tập trung hết người mắc bệnh về một sân trường học, cho học trò nghỉ học. Rồi kêu gọi những ai rành nghề thuốc trong xã, hễ biết thuốc gì có thể trị được dịch tả thì ra tay cứu giúp các nạn nhân.
Đến giữa trưa thì thuộc cấp báo cáo số người tử vong đã lên trên hai chục và còn nhiều người đang kêu la, oằn oại. Trong số người đang hấp hối được khiêng về trường học có một cô gái trẻ, mà vừa thoạt nhìn qua Đỗ Hoàng đã giật mình, bởi cách phục sức của cô ta không giống với người trong làng. Tuy nhiên, do cứu bệnh cấp bách nên Hoàng chỉ lưu ý thoáng qua thôi, rồi sau đó cùng lao về cứu chữa cho hơn chục ca bệnh khác nữa. Cho đến chiều tối hôm đó thì cơn dịch có phần giảm bớt, khi có đoàn chi viện về tới. Họ đem theo nhiều thuốc men và tận tình cứu chữa...
Cũng đến lúc đó thì Đỗ Hoàng đã mệt phờ người. Anh bất kể sạch dơ, cứ nằm lăn ra đất mà nghỉ. Bỗng anh nghe một tiếng rên nhỏ gần đó. Nhìn sang, Hoàng thấy có một người đang cố bò lê ở sân cỏ, cách chỗ các nạn nhân kia khá xa.
- Một cô gái!
Đỗ Hoàng ngẩng lên nhìn kỹ và anh kêu lên lần nữa:
- Cô ta.
Thì ra cô gái đang bò lê kia chính là cô gái anh nhìn thấy thuộc cấp khiêng về cấp cứu lúc chiều.
- Cô…
Hoàng kêu khẽ, vừa lúc cô gái ngoảnh lại nhìn và rồi ngã lăn ra cỏ, bất động. Đỗ Hoàng hốt hoảng, đích thân anh không ngại hiểm nguy, đã bế xốc cô nàng lên, rồi đi nhanh đến chỗ toán cấp cứu đang làm việc. Sau khi khám và chẩn mạch, các nhân viên y tế kết luận rằng:
- Cô gái này bị khá nặng, nhưng lúc chiều đã cho uống thuốc cầm tả, nên đã qua cơn nguy kịch. Bây giờ ngất đi có lẽ do mất nước nhiều, nếu cho chuyền nước và thêm chất bổ dưỡng vào thì chắc là không sao.
Họ nói rõ như thế rồi thôi, bởi lúc đó còn nhiều người nữa cần cấp cứu nên đâu ai lo cụ thể cho cô gái này. Đỗ Hoàng chạnh lòng khi thấy cô gái nằm cô quẫn như chờ chết... Rồi bỗng anh nảy ra một ý, liền gọi hai thuộc cấp thân tín:
- Hai cậu tìm cách đưa cô bệnh nhân này về nhà ta. Cho ở ngoài nhà kho và mướn giùm ta một người giỏi chăm sóc bệnh tới trông nom giùm. Chỉ cần nấu cháo loãng và pha nước muối đường cho uống, chớ khỏi thuốc men gì khác.
Hai người kia ngại bị lây bệnh, nhưng chủ bảo chẳng lẽ không nghe, nên họ đành miễn cưỡng khiêng cô ta đi. Dọc đường, có người hỏi khiêng đi đâu, họ bảo khiêng đi chôn! Buổi tối khi về nhà, Đỗ Hoàng hầu như quên hẳn cô gái bị bệnh. Anh sửa soạn đi nghỉ thì bà người làm lên báo:
- Khách của quan đã khoẻ rồi.
Hoàng ngạc nhiên:
- Khách nào?
Bà Hai nhắc kỹ:
- Có cô gái được hai lính lệ khiêng về, nói là khách của quan, bảo tôi chăm sóc. Tôi đã làm theo lời và bây giờ cô ấy đã tỉnh lại. Cô ấy muốn từ giã ra đi, tôi nói phải đợi ý của quan đã.
Lúc này Hoàng mới chợt nhớ ra, anh bảo:
- Bà Hai dẫn cô ta lên đây coi.
Bà già Hai ái ngại:
- Cô vừa qua cơn bệnh, dễ lây truyền. E rằng…
Đỗ Hoàng gạt ngang:
- Tôi cứu người cả ngày nay, nếu lây thì đã lây rồi!
Khi cô gái được dẫn lên thì đã sụp xuống trước mặt anh, giọng yếu ớt:
- Dạ, xin đội ơn ngài. Nếu không có ngài ra tay cứu thì tiện dân này đã chết trong đám dịch bệnh rồi. Xin ngài nhận cho ba lạy!
Nói xong nàng ta lạy liền ba lạy, trước khi Hoàng xua tay.
- Không cần đâu! Tôi cứu mọi người mà, vậy cô dưỡng cho hết hẳn đi rồi cứ tự nhiên mà ra về.
Nhưng cô nàng lại oà khóc, khiến Hoàng ngạc nhiên:
- Tại sao cô khóc?
Nàng không ngại, nói thật:
- Cha mẹ tôi đã chết hết trong nạn dịch. Anh chị em cũng chẳng còn ai. Vậy tôi biết về đâu? Thà chết còn hơn...
Cô nàng nói xong bất thần lao đầu vào cột nhà. Đỗ Hoàng hốt hoảng:
- Kìa cô! Chuyện gì cũng giải quyết được mà...
Sau đó Hoàng quyết định:
- Thôi được rồi, sẵn nhà tôi không có người, vậy cô có thể ở lại đây.
Cô nàng mừng quá sụp xuống lạy lia lịa, khiến Hoàng phải đỡ dậy và gọi bà già Hai lại dặn:
- Bà cho cô gái này ở riêng trong ngôi nhà phía sau. Từ nay cô ấy được hưởng trợ cấp làm việc như bà và vài người nữa.
Lúc cô nàng bước đi gần chục bước, Hoàng mới chợt nhớ ra chưa biết tên cô ta:
- Cô chưa cho tôi biết tên?
- Tôi là Anh Đào.
Cơn dịch bệnh rồi cũng qua đi. Ngày hôm sau, hầu như dịch tả đã bị chặn đứng. Thống kê có trên một trăm người dân bị chết. Có những nhà chết cả, không còn ai.
Không khí tang thương rồi cũng qua đi. Quan huyện Đỗ Hoàng nhờ tận tình cứu dân nên được mọi người ca tụng không tiếc lời. Vì nhờ thế nên đã có gần chục người tới giúp việc không công cho Đỗ Hoàng. Anh cố từ chối nhưng họ không nghe. Và cũng chính vì nhà có quá đông người giúp việc nên Hoàng quên bẵng cô Anh Đào đang có mặt trong số người bị nạn. Một hôm, nhân rảnh rỗi, Đỗ Hoàng đi bách bộ trong sân nhà, anh còn đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì gặp bà già Hai, bà lễ phép thưa:
- Bẩm quan huyện, già này có ý muốn thưa, nhưng sợ ngài quở trách...
Đỗ Hoàng vui vẻ:
- Bà Hai cứ nói, tôi nghe.
Bà ngập ngừng một lúc mới dám nói thẳng ý mình:
- Thấy quan huyện tháng ngày sống cô đơn không ai chăm sóc, tôi muốn khuyên ngài nên tìm một người…
Đỗ Hoàng cười ngất:
- Tưởng chuyện gì, khỏi lo bà Hai ơi! Tôi sợ có vợ rồi những kẻ xấu lại đi luồn cửa sau đút lót cho phu nhân, khiến tôi khó làm việc!
Nói xong anh đi ngay, như không muốn nghe chuyện ấy. Anh không để ý phía sau lưng mình, nép trong cánh cửa một ngôi nhà, có một cô gái dõi mắt nhìn theo.
Thú tiêu khiển duy nhất của vị quan huyện trẻ tuổi sau những giờ ở công đường là vẽ tranh. Anh thường lên khu đồi cách nhà không xa vào buổi sáng sớm. Nơi đây cảnh quang xinh đẹp, u nhã, hầu như tách biệt với phố thị, rất tiện cho Đỗ Hoàng thả hồn vào việc sáng tác mà không sợ bất cứ ai quấy nhiễu.