Thuần thắc mắc mãi về một đoạn trong lá thư của bạn mình gửi từ Huế vào: "... Cô nàng rất hiền, ngoan và rất đẹp. Nhưng có điều là tính hơi khó gần. Tuy nhiên mình vẫn muốn cậu nên làm quen. Mình đã kể về cậu cho cô ấy nghe và hình như cô ấy rất muốn được tiếp cận cậu. Mình nói sơ qua về tính cách cô ấy cho cậu nghe: Đó là người chuộng sự thật thà, không ưa dối trá, không thích mẫu đàn ông sống lãng mạn... nhưng cô ấy lại sống bằng nội tâm nhiều, ưa đọc truyện Bồ Tùng Linh, Hồn Bướm Mơ Tiên v.v... Cô ấy mới vào sống ở cùng thành phố với cậu, không có bạn bè, nên sự lui tới của cậu sẽ giúp cho cô đỡ cô đơn nơi đất lạ. Cậu nhớ kỹ, chỉ mình cậu quen cô ta thôi, tuyệt đối không được giới thiệu với người khác...".
Từ lúc nhận được thư của bạn, đến nay đã qua một tuần rồi mà Thuần vẫn chưa có ý định liên lạc với người đẹp bạn định môi giới cho mình. Ngoài việc còn thắc mắc về cá tính của cô gái, Thuần còn chưa tìm được lý do để tiếp cận. Chẳng lẽ tìm tới và bảo: Bạn tôi tên là Phú, giục tôi tới gặp cô, xin được làm quen... Mà điều ấy Thuần không quen làm.
Mãi cho đến sáng nay, chủ nhật, một cơ hội ngàn vàng đã tới một cách thật bất ngờ: Thuần nhận được một lá thư của ai đó gửi tới địa chỉ: 18 A cư xá Hồng Hà, quận TĐ, nhưng bưu điện lại nhầm với địa chỉ 18 A cư xá Hoàng Hà, nơi ở của Thuần. Có lẽ người ta nhầm giữa quận TĐ với TB và Hồng Hà với Hoàng Hà! Thuần cầm lá thư tới nhầm địa chỉ kia xem qua và chợt reo lên:
- Cư xá Hồng Hà ở TĐ ư? Đúng là nơi đây rồi!
Lấy lá thư của bạn ra, lúc này Thuần càng kinh ngạc hơn khi địa chỉ mà Phú ghi cho và giục Thuần đi tìm cũng chính là cư xá Hồng Hà này. Và còn lạ lùng hơn, số nhà và đường trong cư xá cũng trùng y nguyên như nhà của Thuần: 18 A đường Hoa Hướng Dương!
Lúc này thay vì trách cứ đơn vị xây cư xá đã lấy trùng tên đường giữa hai nơi khác nhau, để gây ra sự nhầm lẫm này, Thuần lại thầm cám ơn họ, bởi nhờ có sự trùng hợp này nên sẽ có cớ cho Thuần tìm tới đây với lý do đầy thuyết phục: Trả lại bức thư bị phát nhầm!
Sau hơn nửa giờ đắn đo, cuối cùng Thuần đã cầm lá thư và quyết định đi tìm chủ nhân thật của nó.
Việc tìm ra cư xá Hồng Hà không khó. Nhưng khi hỏi đường Hoa Hướng Dương thì mọi người trong cư xá đều lắc đầu:
- Cư xá này chỉ có các con đường nội bộ từ số 1 đến số 18, chứ làm gì có tên Hoa Hướng Dương!
Thuần thất vọng vô cùng, vừa định trở ra thì chợt có một người đàn ông chạy ô tô ngang qua, chị chủ nhà đang trả lời Thuần chỉ và nói:
- Ông đó là phó giám đốc xây dựng cư xá này, đâu hỏi thử coi.
Bà ta vẫy tay gọi ông ta giúp Thuần, rồi lên tiếng hỏi:
- Cậu này tìm địa chỉ trong cư xá này mà hỏi đường Hoa Hướng Dương, cư xá mình làm gì có tên đó, phải không ông phó giám đốc!
Không ngờ người kia đáp ngay:
- Có chứ! Cư xá này lúc xây xong chúng tôi đã từng đặt cho những cái tên toàn các loài hoa. Tên Hoa Hướng Dương là con đường số 8, phía dãy sau của nhà này. Sau đó nghĩ lại, chúng tôi mới đổi thành chữ số, cho dễ nhớ hơn.
Thuần nghe nói mừng quýnh. Anh cám ơn họ rồi chạy vòng ra dãy nhà phía sau. Anh tìm được số nhà không khó. Bấm chuông và đứng đợi chỉ vài
chục giây thì có một người phụ nữ trung niên bước ra. Bà ta nhìn qua Thuần và hỏi:
- Cậu tìm ai?
- Dạ, cho tôi hỏi, có phải đây là nhà của cô Yến Vĩ?
Chỉ tay vào trong, người phụ nữ đáp:
- Cô chủ có ở nhà, nhưng đang có tiệc. Cậu có phải là người được mời tới dự tiệc thì vào. Còn nếu không thì có lẽ... nên về, bữa khác tới.
Thuần hơi lúng túng:
- Tôi... tôi không phải tới dự tiệc. Số là...
Anh chợt nhớ lá thư nằm trong túi, nên lấy ra và mạnh dạn lên:
- Có một lá thư gửi cho cô Yến Vĩ ở nhà này, nhưng bưu điện lại phát nhầm địa chỉ của tôi ở tận trung tâm thành phố. Tôi đem đến trả. Đồng thời...
Anh chưa nói dứt lời thì từ trong nhà có tiếng vọng ra:
- Sao không mời khách vào nhà nói chuyện, dì Hai?
Người phụ nữ trung niên nói vọng vào trong:
- Thưa cô, đây là khách lạ, chỉ tới để trả lá thư thôi.
- Người ta là ân nhân của mình, sao gọi là khách lạ. Mời khách vào đi.
Thuần được mời vào trong. Vừa bước tới phòng khách, Thuần đã đứng sựng lại ngay. Bởi trước mặt anh là một cô gái tuổi khoảng mười tám đôi mươi, mà sắc đẹp thì làm loá mắt bất cứ ai thoạt nhìn!
- Mời cậu vào.
Bà giúp việc phải nhắc lại khi thấy Thuần cứ ngẩn ngơ nhìn. Lúc này Thuần mới tỉnh lại, anh vụng về đưa phong thư tới trước, vừa nói:
- Tôi nhận một lá thư phát nhầm. Tôi có thể gửi trả lại qua đường bưu điện, nhưng lại sợ nó bị lạc, nên nhân tiện tôi tìm tới đưa trực tiếp cho người nhận. Chẳng hay có phải cô là... Yến Vĩ?
Cô gái đẹp như tiên nga cười rất tươi với Thuần:
- Đúng là em.
Bà người làm vội lên tiếng:
- Kìa, cô Hạnh. Cô đâu phải là...
Cô gái phá lên cười thành tiếng, trong trẻo:
- Dì Hai nói kiểu đó, không khéo con lại mang tiếng là mạo nhận thì khốn? Tên Yến Vĩ là tên lúc còn đi học bạn bè đặt cho, ở nhà ít người gọi.
Thuần buột miệng:
- Đúng rồi, bạn tôi cũng nói như vậy!
Cô gái ngạc nhiên:
- Bạn anh biết em?
Thuần kể lại một phần câu chuyện của Phú. Vừa nghe nhắc đến Phú, cô gái tên Hạnh đã reo lên:
- Em có quen anh Phú. Khi ở Huế tụi em nhiều lần tới ăn ở quán cơm Âm Phủ ngoài đó. Em và Phú khá thân, cho đến khi...
Cô nàng bỏ lửng câu nói, giúp Thuần dễ diễn đạt ý của mình hơn:
- Phú có giới thiệu tôi gặp cô. Tôi cũng sống xa nhà, nên cũng cần có những người bạn đồng hương...
Nàng phá lên cười hồn nhiên:
- Anh ấy thì lúc nào cũng thế. Luôn luôn muốn bạn bè mình hạnh phúc, còn bản thân mình thì muôn năm đi tìm sự cô đơn.
Câu chuyện giữa họ trở nên gần gũi và thân mật hơn, cho đến lúc Thuần chợt nhớ, anh đứng lên cáo từ:
- Tôi quên là nhà đang có tiệc, xin lỗi Hạnh, để dịp khác chúng ta có thời giờ ôn lại chuyện quê nhà hơn.
Bỗng từ nhà sau bước ra hai cô gái nữa, mà thoạt nhìn Thuần đã sững sờ! Cả ba người họ giống nhau đến đỗi Thuần không thể nào phân biệt được ai mới là cô Hạnh vừa nói chuyện với mình! Một cô lên tiếng:
- Đã là khách đồng hương sao lại khách sáo như vậy!
Cô còn lại cũng nói:
- Bọn em ở trong nhà nãy giờ đã nghe hết rồi. Đã là bạn của anh Phú thì cũng là bạn của tụi này. Bữa nay chỉ là tiệc gia đình giữa ba đứa tụi em với nhau thôi, tại sao anh Thuần không là khách riêng, để tụi này có dịp thử tửu lượng!
Cả ba cùng reo lên:
- Phải vậy thôi!
Họ rất tự nhiên kéo tay Thuần vào nhà trong. Lúc này Thuần mới biết là tiệc đang được bày ở sân sau ngôi nhà, nơi có một mảnh vườn nhỏ, xinh xắn.
Mãi mê lo ngắm cảnh vật, đến khi quay lại thì Thuần không còn phân biệt được ai là Hạnh nữa. Anh hơi lúng túng thì cũng may, một cô gái đã nói:
- Em Tư, là khách của em, hãy mời một ly đi chớ!
Thuần cố để ý dấu vết riêng của từng người, nhất là Hạnh, nhưng trong nhất thời chưa thể tìm ra, mà cả ba người họ lại mặc cùng màu quần áo, một kiểu may, tóc lại chải cùng cách với nhau, nên càng trông càng hoa mắt. Có lẽ
hiểu được sự lúng túng của Thuần nên cô Tư quay sang chỉ từng người giới thiệu:
- Đây là chị Hai, gọi là Hạnh nhất nương, còn đây là Hạnh nhị nương...
Nhất nương mau mắn:
- Người đang nói là cô Tư, tức Hạnh tứ nương. Tuy là út nhưng lanh nhất nhà, nên được bầu làm thủ lĩnh!
Thuần e dè hỏi:
- Thế còn... tam nương?
Giọng họ chùn xuống:
- Bữa tiệc hôm nay là giành cho Hạnh tam nương. Cô ấy đã ra đi trước chúng tôi rồi!
- Xin lỗi. Tôi vô tình...
Hạnh tứ nương lanh trí đúng như lời hai chị giới thiệu:
- Người không biết thì không có lỗi!
Họ nói chuyện giống như trong các phim võ hiệp Trung Hoa, khiến Thuần cũng thấy thích thú, anh pha trò:
- Tại hạ không đa lễ nữa, nào ta cụng ly!
- Trăm phần trăm đi huynh đài!
Họ uống ngọt đến không ngờ! Và sau khi cạn ly, chính tứ nương đã nói:
- Nếu huynh không chê đám gái quê này thì bữa tiệc này coi như lễ kết giao được không? Bọn này gọi là đại huynh nhé!
Đã vô một ly nên Thuần mạnh dạn hơn:
- Xin tuân lệnh.
Lại một ly nữa. Thuần mới hai ly đã hơi nóng mặt, còn họ có lẽ đã uống với nhau trước khá nhiều, vậy mà lúc này trông họ vẫn không chút gì biểu lộ sự chuếnh choáng. Hơi men khiến cho hai má của ba chị em hồng lên, đẹp đến mê mẫn tâm thần người nhìn. Thuần không đừng được, đã buột miệng:
- Khác nào Từ Thức lạc Thiên Thai!
Cô chị lớn cũng pha trò:
- Coi chừng nghen khi trở về dương thế Từ Thức râu tóc bạc phơ đó nghen!
Họ lại phá lên cười. Thuần hứng chí quá, tự động rót một ly đưa tới trước mặt nhất nương:
- Xin được uống với chị cả!
Cô nàng chỉ tay sang Hạnh tứ nương:
- Là khách thì phải uống riêng với người ấy, rồi mới tới bọn này!
Không hổ danh là thủ lĩnh, tứ nương cũng rót đầy một ly, hưởng ứng ngay:
- Tiếp đại huynh!
Sau ly đó, đến lượt hai cô chị, họ uống xong và tấm tắc khen Thuần:
- Quả xứng danh đại huynh của bọn này, bội phục, bội phục!
Trước sau Thuần uống đã chục ly, tuy chưa say, nhưng người đã bắt đầu lâng lâng. Uống thêm ly nữa, anh chàng hứng chí đứng lên, như muốn nói gì đó, nhưng vừa định nói thì lảo đảo và suýt nữa đã đổ nhào vào người bên cạnh, ba cô gái cũng trong tình trạng như vậy, họ đồng thanh nói:
- Đừng để huynh ấy té!
Tuy miệng nói vậy, nhưng cuối cùng cả ba người họ lại cùng ngã nhào lên người của Thuần lúc ấy đã nằm sóng soài trên bàn tiệc!
° ° °
Trời tối dần...
Bà giúp việc lúc ban ngày hầu như không thấy bóng từ lâu. Cả bốn người họ vừa tỉnh giấc. Thuần bật dậy đầu tiên, anh chàng sửng sốt khi nhìn thấy ba cô nàng đều trong tình trạng trang phục xốc xếch như vừa bị ai đó cưỡng bức! Khi nhìn lại mình, Thuần hốt hoảng kêu lên:
- Sao thế này?
Anh thấy mình cũng trong tình trạng như vậy. Thậm chí còn lạc mất chiếc quần dài!
- Trời ơi! Chị...
Một cô kêu lên, rồi cả ba đều thảng thốt kêu và đều bật dậy, tay chụp lấy ngực và giương mắt nhìn Thuần đang ngơ ngác.
- Anh... anh đã...
Lúc này Thuần hoàn toàn không nhận ra ai là chị ai là em, nhưng ghe một cô lớn tiếng hỏi, anh đoán đó là cô chị lớn:
- Anh đã làm gì chị em chúng tôi?
- Tôi không... tôi cũng...
Cả ba cô gái đồng loạt khóc nức nở, khiến Thuần càng hoảng hốt hơn:
- Các cô hiểu lầm rồi, tôi cũng vừa mới tỉnh lại, tôi đâu có biết gì, tôi không hề...
Mặc cho lời biện bạch của Thuần, ba cô cứ khóc và quên hẳn việc phải xốc lại xiêm y. Cũng may lúc ấy chung quanh họ là màn đêm và không có một ai khác.
Thuần đưa mắt nhìn quanh và bất chợt nhìn thấy chiếc quần dài của mình máng trên cành cây gần đó. Anh rón rén đứng dậy, định lấy quần mặc vào thì đã nghe một tiếng quát:
- Anh tính chạy làng phải không!
Vừa kêu họ vừa đồng loạt kéo Thuần trở lại. Thuần bị té sấp lên họ và chẳng biết tại sao anh lại như mê đi... Bên tai Thuần nghe văng vẳng tiếng nói của họ. Một người bảo:
- Xử anh ta sao đây?
- Gây ra cái gì thì phải lấy cái đó mà trả!
- Anh ta đã làm nhục em chưa?
Không nghe câu trả lời. Lại giọng nói ấy lên tiếng:
- Mấy chị thế nào cũng được, chỉ sợ em tư thôi.
Một giọng nũng nịu:
- Sao cứ gọi là tư này tư nọ, người ta được gọi là tứ nương, quên rồi sao?
- Ờ thì Tứ Nương. Hạnh tứ nương!
- Như vậy có phải nghe hay hơn không!
- Thôi được rồi. Giờ nhường cho em xử lý hắn ta.
- Nhớ phải mạnh tay đấy nhé!
Một tràng cười khoái trá:
- Muội muội sẽ không làm các tỷ thất vọng đâu!
Dường như có hai bóng người đứng lên, rời nơi ấy. Chỉ còn Thuần và cô út. Tuy đầu óc vẫn còn nhận biết, nhưng hầu như cơ thể Thuần đã bất động. Anh cảm thấy nhột từ bàn chân trở lên và rồi như bị cù vào chỗ nhạy cảm, anh gồng mình lên để chịu đựng, nhưng càng lúc cảm giác nhột, khó chịu càng tăng thêm. Đến một lúc không còn chịu nổi nữa, Thuần cố thét thật to. Tuy nhiên mọi phản ứng lúc đó đều vô hiệu. Anh chàng mềm như bún, lã đi, nhưng vẫn còn cảm giác, đi từ chỗ nhột đến không thể chịu được, chuyển sang một cảm giác lạ lùng, khó tả...
Đến khi Thuần có cảm giác như có ai đó lay gọi mình. Anh từ từ mở mắt ra...
- Anh ta tỉnh lại rồi!
Ai đó reo lên, cùng lúc Thuần mở mắt và ngơ ngác khi thấy trước mặt mình có khá đông người!
- Sao... thế này?
Một người lớn tuổi đứng cạnh lên tiếng:
- Chú em chắc tối qua xỉn quá nên quên trời đất, hả!
Thuần ngước lên nhìn, khi thấy có nhiều người nhìn chăm chú vào mình, anh vội bật dậy và phát hiện chỗ mình nằm là một bãi cỏ ven đường!
- Sao tôi...
Ông lão bên cạnh lại lên tiếng:
- Vừa rồi chính tôi đi tập thể dục sớm ngang qua đây, phát hiện cậu nằm ngủ say chỗ này nên hoảng hốt, tưởng cậu bị tai nạn, đến khi lay cậu mới biết cậu còn sống. Sao cậu liều quá xe cộ cứ bỏ mặc đó, nằm ngủ ngon lành ở đây.
Lúc này Thuần mới nhớ lại chiếc xe gắn máy của mình, anh kêu lên:
- Xe của tôi!
Cụ già chỉ tay phía gần đó, bảo:
- Sợ kẻ xấu lấy, nên tôi cho dẫn tới để chỗ kia. Cậu xem lại coi có mất cái gì nữa không?
Thuần sờ vào túi quần, áo, thấy mọi thứ vẫn còn nguyên. Anh hỏi:
- Đây là đâu vậy bác?
Chỉ tay về phía trước mặt, ông cụ đáp:
- Đây là nghĩa địa là chỗ ban đêm không ai dám vào nên cậu mới may mắn không bị mất xe. Nhưng sao cậu lại vào chốn này?
Nhớ lại mọi việc, Thuần kêu lên:
- Chị em họ!
Ông cụ ngạc nhiên:
- Ngoài cậu ra còn có ai đi cùng nữa sao?
- Dạ không... Nhưng mà...
Anh nhìn quanh thấy toàn là mồ mả, hoảng hốt:
- Thế nhà họ đâu?
- Nhà ai?
- Họ có ba chị em. Họ...
Thấy mọi người không hiểu, Thuần sau một phút lưỡng lự, đã đột ngột hỏi:
- Cư xá Hồng Hà ở đâu?
Ai cũng ngơ ngác:
- Ở đây làm gì có cư xá đó.
Thuần nhớ như in mọi chuyện đêm qua, kể cả cái cảm giác lâng lâng vẫn còn trong người. Anh chẳng nói thêm lời nào, chạy thẳng tới chỗ chiếc xe của mình, rồ ga chạy một mạch. Mấy người đứng đó lắc đầu ngao ngán:
- Thằng này chắc là tâm thần rồi!
Thuần chạy quanh đó nhiều vòng, anh cố tìm lại cư xá và số nhà... Nhưng chẳng hề có nơi nào như anh đã gặp hôm qua. Hỏi thăm thì có người bảo:
- Ở đây gần nghĩa địa, coi chừng gặp ma đó!
Thuần thẩn thờ đứng ở góc đường như một kẻ tâm thần thật sự...
° ° °
Rời khỏi sân bay Phú Bài trong tâm trạng nôn nóng, nên Thuần gọi ngay chiếc xe ôm đi về Gia Hội. Vừa tới trước cổng nhà Phú anh đã cất tiếng gọi to:
- Có nhà không Phú ơi!
Phải gọi lần thứ hai thì mới có người ra mở cổng. Đó là bà Lụa, mẹ Phú. Nhác trông thấy Thuần bà đã oà lên khóc! Thuần ngơ ngác:
- Kìa bác! Bác sao vậy?
Bà Lụa không trả lời càng khóc lớn hơn. Thuần phải tự đẩy cổng vào, anh cầm tay người mà xưa nay anh vẫn coi là mẹ thứ hai của mình:
- Có chuyện gì vậy bác Tư? Còn thằng Phú đâu?
Lúc này bà mới nói được mấy tiếng:
- Thằng Phú... bỏ đi rồi!
- Đi đâu? Thằng Phú...
Bỗng bà đấm mạnh vào vai của Thuần:
- Mày ác lắm! Mày ở lại mà không cho nó cùng ở, để nó bỏ đi mất, đi biệt rồi!
Thuần hoảng hốt:
- Mà nó đi đâu?
- Phải rồi, đến ngày đi chôn nó mà mày cũng không về, nên làm sao mày cứu nó ở lại được!
Như nghe một tiếng sét đánh mang tai, Thuần kêu to:
- Bác nói gì, ai chết?
Thuần tốc chạy thẳng vào nhà và khựng lại khi thấy trên bàn thờ mới là bức ảnh chân dung của Phú!
- Trời ơi!
Giọng bà Lụa lạc đi:
- Nó chết đã mấy tháng nay rồi, tại sao mày không hay?
Thuần hỏi lại:
- Bác nói sao? Phú chết bao giờ?
- Còn hai ngày nữa là đủ bốn mươi chín ngày.
Thuần lẩm nhẩm tính rồi kêu lên lần nữa:
- Không thể nào! Chính con mới vừa nhận thư của nó cách nay mấy ngày...
Anh móc cái thư trong túi nhìn lại cả dấu bưu điện đi và đến rồi đưa cho bà Lụa xem:
- Ngày gửi chỉ cách đây mười ngày, còn ngày nhận thì ba bữa trước. Như vậy sao bác nói Phú chết gần hai tháng?
Nghe Thuần nhắc, bà Lụa mới nín khóc, bà cầm lấy lá thư nhìn thật kỹ, có lẽ nhằm kiểm tra lại nét chữ, xem có nhầm lẫn gì không. Nhưng hoàn toàn đúng nét chữ của Phú khó mà lẫn lộn với ai, dẫu cho có viết tháo hay cách nào thì thoạt trông qua bà mẹ đã nhận ra ngay.
Khi cơn xúc động hạ bớt, bà Lụa kể cho Thuần nghe mọi chuyện, mà trong đó có một chi tiết vừa nghe qua Thuần đã kêu lên ngay:
- Bác nói Phú đi cùng với ba cô gái rồi bị nạn?
Bà Lụa gật đầu:
- Trước hôm mất, có một cô gái tên là Hạnh nói là từ Sài Gòn ra thăm nó, thằng Phú dẫn vô giới thiệu với bác và còn mời ở lại ăn cơm nữa. Nhưng cô gái ấy từ chối, nói là phải về nhà người quen ngay, bởi đang có hai người chị đang
đợi cơm. Thế rồi thằng Phú lấy xe đưa cô ấy về, nghe nói là ở gần Lăng Cô. Và hôm sau bác hay tin nó chết ở chỗ đó!
- Lăng Cô?
Thuần lẩm nhẩm trong miệng hai từ đó vài lần, hình như anh đang cố nhớ ra điều gì đó... Rồi chợt Thuần reo lên:
- Đúng rồi!
Bà Lụa ngạc nhiên:
- Con nói cái gì đúng?
- Lúc con ra đây hồi năm rồi, chính Phú đã kể cho con nghe, nó có quen một cô gái ở Lăng Cô, nhưng cô ấy đã chết cách đó mấy năm.
Bà Lụa xác nhận:
- Đúng, đó là con Hoa Lê, người yêu của nó. Chính cái chết của con nhỏ này mà khiến cho thằng Phú mất ăn mất ngủ cả năm trời. Nhưng chuyện đó với chuyện cái chết của nó có gì liên quan nhau đâu?
Thuần thừ người ra một lúc, rồi chợt nói:
- Con ngờ ngợ chuyện này... Mà bác nói Phú chết khi đi chung xe với mấy cô gái rồi xe bị rơi xuống vực lúc qua đèo Hải Vân?
- Bác nghe dân quanh đó nói vậy. Nhưng khi tìm xác thì chỉ thấy mỗi mình thằng Phú, bác chẳng thấy dấu vết gì của bạn nó.
- Bác biết nhà của cô Hoa Lê ở đâu không?
Bà Lụa nhẹ lắc đầu:
- Bác có nghe nói là ở ngay cuối làng chài, nhưng do già cả rồi nên bác đâu có dịp tới đó.
- Hoa Lê... nhất định con sẽ tìm ra!
Thuần vừa nói vừa vụt đứng lên định đi. Bà Lụa ngạc nhiên:
- Con mới ra, sao không ở lại với nó, mà tính đi đâu?
- Dạ, con đi tìm nhà cô Hoa Lê!
- Để làm gì?
- Con ngờ ngợ thế nào ấy...
Muốn tìm cách ngăn, nhưng trước sự cương quyết của Thuần, bà Lụa chỉ lắc đầu nhìn theo bóng của anh ta khuất ở ngoài cổng.
Thuần gọi một chiếc xe ôm, bảo chở về hướng đèo Hải Vân. Khi đến khúc quanh nhìn xuống Lăng Cô, anh bảo:
- Nếu có thể được thì anh đợi tôi trên này, tôi ra thăm một người quen bên Lăng, chừng hơn tiếng đồng hồ. Lúc về tôi sẽ trả cả tiền đợi cho anh.
Người chạy xe ôm vui vẻ:
- Cậu cứ đi, tôi ngồi ở quán nước ven đường kia uống cà phê đợi. Chứ giờ này xách xe không chạy về Huế thì cũng phí mà lát nữa khi cậu về cũng khó mà đón xe ở đoạn này.
Thuần một mình qua làng chài Lăng Cô. Anh lần mò hỏi thăm nhà Hoa Lê thì thật bất ngờ, hầu như ai cũng biết. Một bà già chỉ hướng cho Thuần:
- Cậu đi theo lối này, qua hết hơn chục cột phơi lưới thì thấy căn nhà sơn màu xanh nằm cheo leo gần bờ biển, đó là nhà của con Hoa Lê. Nhưng cậu kiếm nó làm gì, khi con bé đã chết lâu rồi?
Thuần lúng túng:
- Dạ... cháu muốn... tìm người nhà cô ấy.
Bà cụ thở dài:
- Có còn ai đâu mà tìm!
Thuần trố mắt nhìn:
- Sao vậy bác? Thế cha mẹ, anh em cô ấy?
- Nhà đó chỉ có hai mẹ con. Sau khi Hoa Lê chết được một năm thì do đau buồn nên bà mẹ cũng ngã bệnh nặng, bỏ vào chân đèo ở một mình. Từ đó căn nhà này bỏ hoang, không ai ở. Mãi cho đến khi cách đây gần hai tháng thì bỗng có ba cô gái lạ, từ Sài Gòn ra, họ cũng tìm tới ngôi nhà của Hoa Lê, nói là bạn thân, do không biết tin Hoa Lê chết nên ra thăm. Họ cũng gặp tôi, nhờ tôi cho vào ở nhờ nhà không chủ đó, do lỡ độ đường. Tôi thấy không có gì trở ngại nên để cho họ vào ở. Không ngờ...
Ngừng lại một lúc, rồi bà tiếp lời, làm cho thuần giật bắn người:
- Ngày hôm sau một trong ba cô gái đó đi đâu trở về, có dẫn theo một chàng trai. Họ vào nhà một lúc rồi cùng kéo nhau đi. Nghe nói họ cùng lên một chiếc xe hơi đậu chờ sẵn trên đèo. Thế rồi chỉ nửa tiếng sau, tôi nghe tin cả bọn họ đều tử nạn, do xe lạc tay lái, rơi xuống vực!
Bà cụ kể trong nước mắt, khiến Thuần cũng rưng rưng. Rồi bà tiếp lời:
- Hình như mấy người con gái lạ đó còn để nguyên hành lý trong nhà con Hoa Lê.
Không đợi nghe thêm, Thuần vội chạy tới chỗ ngôi nhà. Cổng chỉ chốt chớ không khoá, cửa bên trong cũng thế. Nên Thuần vô nhà khá dễ. Anh cũng tìm được ngay một chiếc xách tay khá lớn nằm ở góc nhà. Trong giỏ xách ngoài một số quần áo nữ, còn có một quyển sổ xinh xắn, ngoài bìa có ghi mấy chữ khá nắn nót: Hạnh tứ nương.
- Đúng là họ rồi!
Thuần lặng người đi một lúc rồi mới cầm quyển sổ đó bước ra ngoài. Bà cụ vẫn còn đứng đó, bà hỏi ngay:
- Cậu có tìm thấy gì không?
Thuần đưa quyển sổ và nói:
- Đây là kỷ vật của bạn cháu. Xin phép bác, cháu muốn được cầm về.
Bà cự mau mắn:
- Còn quần áo, đồ đạc gì đó cậu cứ mang đi, bởi từ lúc tai nạn xảy ra tôi cứ chờ hoài mà chẳng thấy thân nhân họ ra đây tìm, nên những gì trong ngôi nhà đó vẫn còn nguyên.
- Dạ, cháu chỉ xin lấy quyển sổ này thôi.
Điều Thuần nôn nóng nhất muốn hiểu thêm là dòng địa chỉ ghi dưới trang đầu của quyển sổ. Địa chỉ khác của Hạnh Tứ Nương.
° ° °
Dòng địa chỉ 128 đường Hoa Hướng Dương khiến cho Thuần mất toi hai ngày để tìm mà cuối cùng vẫn phải bó tay. Cư xá Hồng Hà đã là một nơi ảo, ngoài ra chẳng nơi nào có tên như vậy. Chạy xe lòng vòng mất bốn bình xăng mà vẫn tìm chưa ra, Thuần hơi nản, định ra về thì đến phiên chiếc xe trở chứng, chết máy khi chạy tới một đoạn vắng có nhiều xe container đậu nối đuôi nhau.
Vừa dẫn xe Thuần vừa càu nhàu, bỗng có ai đó gọi anh từ sau lưng:
- Cậu ơi!
Quay lại nhìn, Thuần quá bất ngờ khi gặp bà giúp việc nhà của chị em Hạnh hôm trước!
- Bà... bà là...
- Tôi là người làm của các cô Hạnh, cậu gọi tôi là Dì Tư. Cậu đi tìm các cô ấy phải không?
Không ngờ buồn ngủ lại gặp chiếu manh, Thuần mừng quá, quên cả cơn mệt trong người:
- Dạ, cháu tìm mấy ngày rồi, mà cái địa chỉ này...
Dì Tư lặng lẽ bước đi trước, bảo khẽ:
- Cậu theo tôi ắt gặp.
Dẫn xe đi không xa lắm, đến cuối hàng xe tải đậu, họ quẹo vào một con đường mòn nhỏ, lúc này Thuần mới lờ mờ nhận ra có cái gì đó quen quen trước mắt... Khi qua khỏi một hàng me tây tàng lá rậm rạp, Thuần chợt nhận ra, anh kêu lên:
- Chỗ này rồi!
Thì ra từ chỗ Thuần đang dừng xe, nhìn xuyên qua một hàng rào gỗ cao là khu vườn mà hôm trước anh đã cùng ba cô gái ngồi nhậu với nhau! Không thể lầm được, bởi bộ bàn ghế đá màu trắng bên cạnh giàn hoa hướng dương cao gần ngang ngực.
Thấy Thuần còn ngơ ngác đứng nhìn, bà Dì Tư giục:
- Cậu vào đi, tới nhà rồi đó.
- Cháu nhớ ra rồi. - Thuần nói.
Lúc mở cửa cho Thuần vào trong rồi, bà người làm mới bảo:
- Đây là cổng sau, bữa trước ngồi trong vườn chắc cậu nhìn ra đây rồi phải không? Còn cổng trước là cư xá, hôm cậu đi vô, nhưng ngay chiều hôm đó do người ta đào hệ thống cống nên đã chận ngang không cho vào lối đó.
- Nhưng sao cháu hỏi, không ai biết cư xá Hồng Hà?
- Cậu không biết, chứ ở đây người ta kỵ cái tên đó. Bởi trước kia khu đất này nguyên là nghĩa địa Hồng Hà, bây giờ thành khu dân cư rồi, không ai còn muốn nhắc tới cái tên cũ, nên hễ nghe ai hỏi tên Hồng Hà thì người ta không chỉ.
Hình như đã đoán biết việc Thuần trở lại đây nên bà Tư nhìn anh một lúc rồi ngập ngừng:
- Cậu đã biết chuyện về ba cô Hạnh?
Thuần nhìn quanh một lượt, rồi nhìn thẳng vào mắt bà:
- Có đúng là cả ba cô đều đã... chết?
Bà Tư thở dài:
- Tội nghiệp họ. Đúng là hồng nhan bạc phận!
- Nhưng họ chết ở đèo Hải Vân, sao lại hiện ra ở chỗ này?
Giọng bà thật buồn:
- Tôi đã đưa họ về đây và tôi đã nguyện là sẽ sống cùng họ suốt đời...
Bà nói xong thì khóc nức nở, khiến Thuần cũng xót xa trong lòng. Hồi lâu anh mới hỏi:
- Bác là thế nào với ba cô ấy?
Bà hỏi ngược lại:
- Cậu biết nhà Hoa Lê ở Lăng Cô chưa?
- Dạ biết. Cháu mới về chỗ ấy xong.
- Tôi là mẹ của Hoa Lê.
Nhớ lại lời kể của bà hàng xóm ở làng chài, Thuần hỏi:
- Có phải sau khi Hoa Lê mất, bác đã bỏ vào chân đèo ở và không trở về nhà nữa?
Lại một lần nữa bà thở dài:
- Không phải tôi tự vào đó ở, mà là con Hoa Lê cứ giục mãi. Nó muốn tôi vào đó, nơi căn lều kiểm lâm trước kia của cha nó. Lúc đầu tôi không biết để làm gì, cho đến khi vụ tai nạn xảy ra, cả chiếc xe rơi xuống vực, trong đó có ba cô con gái và một anh chàng, thì tôi hiểu, bởi trước đó đêm nào vong linh con Hoa Lê cũng về báo cho tôi biết, sắp có bạn nó đi tìm nó và dặn tôi là sau khi tiếp nhận họ thì tôi phải mang xác họ ra khỏi nơi đó, không để ai biết tung tích họ ở đâu!
Thuần buột miệng:
- Thảo nào chẳng ai tìm thấy xác họ đâu!
Lát sau bà Tư tuần tự kể lại câu chuyện mà Thuần đang muốn biết:
- Con Hoa Lê nhà tối vốn cùng với ba cô gái tên Hạnh trong một buổi lễ cầu hồn đã kết bạn với nhau. Nó không liên hệ huyết thống gì với họ, nhưng lại nhận mình là chị em, mang tên là Hạnh Tam Nương...
Thuần chợt kêu lên:
- Hạnh tam nương! Nhân vật vắng mặt hôm bữa tiệc?
Lời giải thích của bà khiến Thuần lạnh cả người:
- Hồn con tôi bị một cái vong trong buổi cầu hồn ám nên dẫn dụ ba cô gái sinh ba tên Hạnh cùng chết theo mình và cùng kết bạn thành nhóm Tứ Nương. Nhưng từ khi về đây lập ra cái vườn Âm Hồn này thì con tôi bỏ đi, theo người yêu nó.
- Theo Phú?
Bà gật đầu:
- Đúng là Phú. Chính nó đã bắt Phú đi theo. Tôi buồn lắm vì chuyện đó. Bị nó làm cậu Phú chết oan. Nhưng biết làm sao, khi luật của cõi âm là như vậy, khi oan hồn yêu ai thì muốn người yêu ở dương thế đi theo...
Chợt quay sang Thuần, bà nói:
- Cậu may mắn nên giờ này còn ngồi đây.
- Bác nói vậy là sao? - Thuần ngạc nhiên.
- Khi cậu tìm tới đây hôm đó là do mấy cái oan hồn này muốn cậu tới. Có phải cậu tới sau khi nhận được tin của bạn cháu?
- Phải, cháu nhận được thư của bạn cháu.
- Trong lúc cậu Phú đã chết trước đó lâu rồi!
- Dạ...
Bà lại thở dài:
- Tôi đã can ngăn mãi mà chúng không nghe. Nhất là con Hạnh tứ nương, nó cứ nằng nặc đòi chiêu dụ cho bằng được một người con trai, để nó được siêu thoát khỏi kiếp oan hồn! Trong cõi âm, những cô gái chết oan nếu muốn thoát kiếp thì cần có một người con trai tới, để cùng đi với họ. Cậu đáng lẽ đã chết ngay sau bữa tiệc ở khu vườn này đêm hôm đó, nếu không có cuộc cãi nhau rồi sinh huyết chiến giữa con Hoa Lê nhà tôi với ba cô Hạnh đó... chính người bạn tên Phú của cậu, đã cùng với con Hoa Lê chống lại ba chị em họ, giải thoát cho cậu khỏi bị bắt hồn. Và cũng từ đó những oan hồn tụ họp ở đây cũng vĩnh viễn ra đi. Tôi cũng không muốn lưu lại đây làm gì, bởi nhiệm vụ không cưỡng lại được trước đây, nay đã được giải thoát. Nhưng nghĩ đến cậu, nên tôi nán lại, gặp cậu lần nữa, nói cho cậu hiểu mọi chuyện, để cậu đừng đi tìm chị em nhà ấy nữa, họ là hồn ma cả đó...
Nghe kể tới đâu Thuần lạnh người đến đó. Anh xót xa:
- Dẫu sao cũng tội nghiệp họ.
Bà Tư cũng đồng tình:
- Chính vì thương họ nên tôi mới chịu đựng sự khống chế của họ, để giúp họ sống yên trong khu vườn này thôi, không ra ngoài phá phách thiên hạ.
Bà ra dấu bảo thuần đi theo. Dẫn anh vào trong nhà, bà chỉ bàn thờ có năm bát nhang:
- Tôi thờ hết bọn họ ở đây, kể cả bạn cậu. Cậu cũng nên thắp cho chúng nó một nén nhang. Cậu yên tâm, từ nay chúng đã siêu thoát cả rồi, không hiện về nữa đâu.
Đốt nén nhang, Thuần khấn rất thành khẩn và đứng rất lâu trước bàn thờ họ...
Khi ra về, đi ngang qua khu vườn "Âm Hồn", tự nhiên Thuần bắt rùng mình...