Tư Dạm chừng như đã quá sức chịu đựng, nên kể tới đó thì ông phải dừng lại. Bởi nước mắt đã tràn ngập cả hai khóe mắt chảy vào trong, khiến cổ họng ông không còn phát ra âm thanh được nữa! Phải mất một lúc lâu sau, ông mới tiếp tục:
- Vào một buổi chiều cuối tuần, hôm ấy cả Sâm và Ngọc Lan đều ở nhà. Tôi đề nghị làm một buổi tiệc nhỏ để mừng con bé tròn mười bảy tuổi, đồng thời đó cũng là kỷ niệm ngày bỏ đi của mẹ nó. Ngọc Lan tỏ ý không vui.
- Hay là ba cho con bỏ qua bữa tiệc này. Có gì vui đâu mà làm...
Tôi nhìn nét hơi lạ của con gái, thắc mắc hỏi:
- Con sao vậy?
Nó quay đi tránh ánh mắt nhìn của tôi, trả lời qua loa:
- Con mệt...
Nghĩ đó là triệu chứng thông thường của con gái tuổi mới lớn, nên tôi nói:
- Được rồi, nếu mệt thì con đi nghỉ. Để ba làm bếp, khi nào xong ba gọi.
Tôi đã chuẩn bị sẵn mấy món nướng nên vào bếp lo bữa tiệc. Tôi nhìn không thấy Sâm thì nghĩ có lẽ cậu ta nằm trong phòng riêng hay đi quanh quẩn đâu đó. Đến khi làm xong thức ăn, tôi gõ cửa phòng gọi.
- Xong rồi, con mời bác Sâm ra ăn!
Gọi đến lần thứ ba vẫn không nghe con gái lên tiếng, lại thấy cửa phòng hé mở, nên tôi đẩy nhẹ vào. Không có Ngọc Lan trong đó.
Tôi quay sang phòng của Sâm gọi:
- Sâm ơi, cậu có thấy con Lan đi đâu không?
Cũng không có tiếng trả lời. Phòng Sâm cũng trống trơn, lúc ấy trời đã bắt đầu tối, nên tôi hơi lo chạy ra sau nhà, cất tiếng gọi:
- Lan ơi! Sâm ơi!
Kêu đến rát cả cổ mà chẳng thấy tăm hơi hai người đâu, sự lo lắng biến thành sợ hãi! Nhất là lúc ấy tôi nhìn thấy chiếc áo khoác của Ngọc Lan rơi trên lối mòn từ nhà ra suối phía sau nhà.
- Ngọc Lan!
Linh tính báo điều chẳng lành, tôi vùng chạy theo lối đó ra suối. Đến khi tới bên bờ suối thì tôi khựng lại, bởi vừa nhìn thấy có hai bóng người ngồi sóng đôi trên một gộp đá. Một trong hai người là Ngọc Lan, với mái tóc dài quá lửng mà chỉ cần nhìn từ phía sau là có thể nhận ra ngay con bé. Còn người kia...
Tôi không tin vào mắt mình. Bởi không ai khác hơn là… Sâm? Lúc ấy Ngọc Lan đang ngả đầu lên vai Sâm khóc rưng rức. Đứng chỉ cách chưa đầy ba mét, nên tôi nghe rõ tiếng khóc của con gái mình. Rồi sau đó là giọng nghẹn ngào của nó:
- Sao anh không trả lời em? Có gì khó đâu, anh chỉ thú thật với ba mọi chuyện. Ba có thể nổi giận, nhưng dẫu sao anh và ba cũng là chỗ bạn bè, chẳng lẽ ổng giận chúng ta sao? Vả lại...
Ngọc Lan ngừng lại vài giây rồi nó tiếp liền:
- Vả lại cái thai trong bụng em đã hơn năm tháng rồi, làm sao giấu mãi được!
Tôi nghe giọng hốt hoảng của Sâm:
- Không được. Anh đã nói rồi, sao em chưa chịu phá.
Tôi lại nghe một tiếng thét cực lớn:
- Khốn nạn. Anh tạo ra rồi bây giờ xúi tôi giết con phải không?
Sau tiếng thét đó, tôi thấy người của Ngọc Lan vọt lên trong cơn kích động dữ dội!
- Đừng! Khoan đã...
Tiếng kêu đó là của Sâm. Nhưng đã quá trễ rồi. Khi ấy toàn thân Ngọc Lan đã lao thẳng xuống vực sâu, mà bên dưới là dòng suối đang chảy xiết.
Ngay lúc ấy, tôi nghe một tiếng gầm rú khác từ dưới vực vọng lên. Tiếng rú khác thường đó là của bầy chó sói thường ra kiếm mồi ở ven suối mỗi đêm.
Tôi vừa kịp hoàn hồn, lao tới chụp lấy Sâm:
- Mày làm gì hả Sâm? Mày... mày...
Qua ánh sáng lờ mờ, tôi nhìn xuống vực và thấy rõ ràng thân thể con gái mình nằm vắt ngang trên một gộp đá bên cạnh đó là một con sói trắng đang nhe nanh!
Tôi không kịp suy nghĩ gì thêm, đẩy Sâm sang một bên và lao ngay tới chỗ con tôi đang gặp nguy. Rồi, tôi không còn biết gì nữa…
° ° °
Khi tôi tỉnh lại và biết mình còn sống thì bên cạnh tôi là xác đứa con gái yêu dấu của mình và... con chó sói! Chẳng hiểu tại sao lại như vậy? Có thể lúc rơi xuống, tôi đã vô tình đè lên và làm chết con vật hung dữ đang xé xác Ngọc Lan. Tôi không cần biết gì khác, cố gượng đau, ôm lấy xác con mà gào lên kêu cứu! Nhưng vô vọng, bởi ngoài Sâm ở trên kia thì khu nông trang của chúng tôi đâu có ai khác.
Tư Đạm ngừng kể, lặng im, như để nuốt nỗi đau vào lòng mình. Trâm ngập ngừng một lúc rồi mới dám hỏi:
- Vậy lúc ấy chú Sâm đâu, sao không cứu?
- Có lẽ quá sợ trách nhiệm nên anh ta bỏ chạy mất!
Trâm nhẹ thở dài...
Đáng lẽ cô không nên hỏi tiếp, bởi mỗi câu hỏi trong lúc này hết sức nhạy cảm, đều có khả năng khơi gợi nỗi đau và sự hận thù trong lòng người đàn ông nhiều đau khổ này... Tuy nhiên, chẳng hiểu sao cô lại buột miệng:
- Rồi làm sao chú mang được xác cô Ngọc Lan lên?
Giọng Tư Đạm trở nên vô cùng thống thiết:
- Xác con tôi vĩnh viễn nằm lại ở đó! Bởi sau đó tôi kẹt lại ở vực sâu ấy đến ba ngày. Lúc tỉnh lúc mê, đến khi cuối cùng tôi tỉnh lại thì nhìn bên cạnh chẳng còn thấy xác con tôi đâu, chỉ còn lại nguyên lọn tóc dài của nó đang quấn lấy thân mình con sói bị chết! Có thể lúc tôi hôn mê, thì lũ sói khác đã tới và ăn thân thể Ngọc Lan, chẳng hiểu sao chúng lại không ăn thịt tôi! Đêm hôm đó, trong lúc tôi hầu như chỉ chờ chết, bởi kiệt lực vì đói và thương tích đầy người thì chẳng biết ai đó đã thòng dây xuống kéo tôi lên... Tôi chỉ biết bấy nhiêu thôi tôi hầu như hôn mê sâu, cho đến lúc tôi tỉnh lại. Có lẽ phải ba bốn tháng sau.
Ông ngừng kể. Vừa vuốt bộ lông mượt của con sói vừa nói sang chuyện khác:
- Từ nay Ngọc Lan sẽ ở đây.
Ngọc Trâm vẫn muốn hỏi thêm:
- Vậy còn ngôi mộ trong nhà mồ kia?
Tư Đạm bất thần nắm lấy tay Trâm:
- Dẫu sao ta cũng cám ơn chú Sâm con! Khi ta tỉnh lại sau ba tháng hôn mê như vừa kể thì thấy mình đã ở trang trại này rồi! Lúc ấy ta mới hiểu, thì ra người kéo ta lên khỏi vực chính là chú Sâm của cô. Rồi anh ta lo chuyện đưa ta hồi hương, bố trí cho ta lên ở tòa nhà này. Mặc dù từ sau đó anh ta không bao giờ xuất hiện nữa...
Ông lại phải ngừng kể, thở dài như nén xúc động:
- Thật ra khi về đây thì chỉ có mỗi mình ta. Còn ngôi nhà mồ và ngôi mộ kia là do ta quá thương con nên tự tay dựng lên, chớ trong mộ nào có xác của Ngọc Lan..
- Thế còn xác con sói này?
Tư Đạm nở nụ cười héo hắt:
- Ta cũng không rõ. Vào một đêm, sau khi ta vừa xây xong ngôi mộ trong nhà mồ, do quá mệt mỏi nên nằm ngủ thiếp đi ngay trên đầu mộ. Lúc tỉnh lại, ta đã thấy xác con sói bên cạnh. Ta chợt hiểu, đó là vong linh con Ngọc Lan hiện về. Nó đã bị một con sói tinh ăn thịt và đã theo hồn sói về đây. Nhưng rất lạ là nó và con sói này không hề hung dữ. Mà phải nói là rất hiền lành...
Trâm đã khóc từ lúc nào rồi mà không hay. Đợi cho Tư Đạm ngừng kể, cô mới tự tay nâng xác con sói lên mà không hề sợ hãi:
- Theo con nghĩ thì chỗ an nghỉ xứng đáng cho xác con sói này chính là trong nhà mồ kia, chớ không phải ngoài này. Chú hãy nghe con, đưa xác nó vào.
Cô tiếp cùng Tư Đạm một tay, đưa xác khô con sói trở vào nhà mồ. Đẩy nắp mộ đá ra, họ đặt con sói lên chiếc gối mà trước đó Tư Đạm đã đặt sẵn cho con gái mình.
- Y như một cuộc mai táng thật sự!
Trâm thành khẩn chấp tay khấn rất lâu. Đứng ngay bên cạnh, nhưng Tư Đạm cũng không rõ Trâm khấn những gì...
Phần ông, ông nói thành lời:
- Con hãy yên nghỉ nơi này và hãy để cho ông nằm bên cạnh. Hãy quên hết chuyện cũ đi...
Họ ở trong nhà mồ rất lâu…
Đó là lần cuối cùng Ngọc Trâm lưu lại trang trại. Nhiều năm sau, cô nghe tin cái điền trang đó càng ngày càng có nhiều hoa hơn. Ông Tư Đạm thì tuổi đã già, sức yếu, đâu còn chăm sóc vườn tược chu đáo nữa, vậy mà các luống hoa vẫn tươi, vườn layơn vẫn rộ nở buổi ban mai...