Chắc có lẽ tôi nên giải thích ở đây. Tôi không hoàn toàn giống như những đứa con gái mười sáu tuổi thông thường khác.
Ôi, tôi cũng có vẻ bình thường đấy chứ. Tôi không nghiện, không uống rượu hay hút thuốc - trừ cái lần duy nhất bị Ngái Ngủ bắt gặp. Tôi không xỏ khuyên ở đâu hết, trừ hai tai, mỗi tai một lỗ. Tôi chẳng có hình xăm nào, cũng chẳng nhuộm tóc. Trừ đôi bốt và cái áo khoác da, tôi không dùng quá nhiều đồ màu đen. Tôi thậm chí cũng chẳng sơn móng tay màu tối. Nhìn chung, tôi là một teen Mỹ quá bình thường.
Tất nhiên rồi, chỉ trừ một việc là tôi có thể giao tiếp với người chết.
Có lẽ thế chưa đúng lắm, phải chỉnh lại là người chết nói chuyện với tôi chứ. Ý tôi là, tôi không phải là người khơi mào cho các cuộc chuyện trò kiểu đó. Thực ra, tôi cố tránh những điều ấy càng xa càng tốt ấy chứ.
Chỉ có điều chúng chẳng để tôi yên.
Những hồn ma ấy mà.
Đừng nghĩ tôi bị điên, hay ít nhất tôi cũng không điên hơn bạn vào cái tuổi 16 đâu. Tôi đoán nhiều người cho là tôi có vẻ điên điên. Chắc chắn phần lớn trẻ con ở khu tôi ở trước đây cho là vậy. Dở người ấy mà. Các giáo viên phụ trách trường tôi đã hơn một lần coi tôi không bình thường. Lắm khi tôi nghĩ có khi họ cứ nhốt béng tôi vào hoá lại dễ chịu hơn.
Nhưng ngay cả khi ở trên tận tầng 9 ở Bellevue - nơi người ta nhốt những kẻ điên loạn ở New York, tôi chắc cũng chẳng tránh được bọn ma. Chúng sẽ tìm ra tôi mà thôi.
Chúng luôn luôn tìm thấy tôi.
Tôi vẫn nhớ cái lần đầu tiên. Tôi nhớ rõ lần đó như nhớ tất cả những kỷ niệm khác vào quãng thời gian ấy, những kỷ niệm không mấy vui vẻ, vào lúc tôi khoảng 2 tuổi. Tôi nhớ rõ như nhớ cái lần tôi giằng con chuột khỏi con mèo nhà tôi, nâng niu nó trong tay cho đến khi người mẹ hoảng hốt của tôi vứt béng nó đi mất.
Này, lúc đó tôi mới có 2 tuổi thôi mà.
Hồn ma ấy cũng giống như con chuột, xám xịt và bất lực. Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết bà ta là ai. Tôi nói bằng cái giọng bi bô của trẻ con mà bà ấy chẳng hiểu gì cả. Dù có là ma thì cũng đâu có hiểu được đứa trẻ 2 tuổi hơn những người thường là mấy. Bà ấy chỉ đứng trên đầu cầu thang nhà tôi nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Lúc đó tôi thấy thương bà ấy, thương như thương con chuột ấy, và muốn giúp bà. Chỉ không biết phải giúp thế nào. Thế là tôi làm cái điều mà bất cứ đứa trẻ 2 tuổi nào cũng làm. Tôi chạy đi tìm mẹ.
Đó là lần tôi học được bài học đầu tiên về ma: chỉ có mình tôi trông thấy chúng mà thôi.
À, tất nhiên người khác cũng nhìn thấy chứ. Nếu không thì làm quái gì có những ngôi nhà ma ám, những câu chuyện ma, chương trình Những Bí Ẩn Chưa Có Lời Giải, và những gì đại loại kiểu thế? Nhưng có một điểm khác ở đây. Hầu hết những người gặp ma thì chỉ nhìn thấy 1 con thôi. Còn tôi thì nhìn thấy tất cả bọn ma.
Tất cả bọn ma. Tất cả. Tất cả những người chết, vì bất kỳ lý do gì mà vẫn còn lang thang trên đời thay vì đến nơi họ lẽ ra cần phải đến, tôi đều nhìn thấy hết.
Để tôi nói cho bạn hay, như thế là cực kỳ nhiều ma đấy.
Cũng cái ngày mà tôi trông thấy con ma đầu tiên, tôi hiểu ra rằng hầu hết mọi người - kể cả mẹ tôi - chẳng thể nhìn thấy chúng. Không ai trong số những người tôi quen có thể thấy ma. Hay ít nhất chẳng ai thừa nhận điều đó cả.
Dẫn đến điều thứ hai tôi biết về ma vào cái ngày hôm đó, 14 năm về trước: tốt nhất đừng có ba hoa là mình vừa trông thấy 1 con ma, sau này cũng thế. Hay trường hợp của tôi, những con ma.
Tôi không sẽ không bảo là mẹ tôi nhận ra thứ mà tôi chỉ cho mẹ và bi bô với mẹ vào cái buổi chiều khi tôi 2 tuổi ấy, là một con ma. Chắc là mẹ không biết. Chắc mẹ chỉ nghĩ tôi đang cố nói với mẹ điều gì đó về cái con chuột mà mẹ tịch thu mất vào lúc sáng. Nhưng mẹ chỉ nhìn lên cầu thang, gật gật và nói: "Ừ ừ, Suze này, con muốn ăn trưa với món gì nào? Pho mát hay cá ngừ?"
Tôi không mong đợi ở mẹ một phản ứng tương tự như cái phản ứng khi con chuột bị tóm - mẹ tôi, lúc đấy đang ôm đứa trẻ mới sinh nhà hàng xóm, ré lên một tiếng kinh hoàng trước cái cảnh con chuột đang nằm gọn trong tay tôi, và mẹ thậm chí còn hét to hơn nữa khi tôi tự hào khoe thành tích với mẹ - và to nữa nữa khi tôi tự hào khoe thêm: "Mẹ xem này. Giờ con cũng có em bé đấy nhé," - giờ tôi nhận ra là lúc ấy mẹ không hiểu được tôi vì mẹ đâu có nhìn thấy ma.
Nhưng tôi cũng chờ đợi chí ít là một lời giải thích cho cái thứ đang lơ lửng trên đầu cầu thang. Hầu hết những thứ ngày thường tôi vẫn thắc mắc, từ cái trạm bơm cứu hoả cho đến những ổ cắm điện, tôi đều được giải đáp rõ ràng. Tại sao cái thứ trên đầu cầu thang kia thì lại không chứ?
--------------------------------
Chẳng có gì hết.
Ở cái tuổi lên 2, tôi thấy điều ấy cũng chẳng có gì đáng thắc mắc cho lắm. Lúc ấy, nó cũng chỉ giống như những điều khác để phân biệt giữa trẻ con và người lớn mà thôi: Trẻ con phải ăn hết phần rau, người lớn thì không. Trẻ con có thể chơi vòng quay ngựa gỗ trong công viên, người lớn thì không. Trẻ con có thể nhìn thấy những thứ màu xám, người lớn thì không.
Và mặc dù lúc đó chỉ mới 2 tuổi, tôi cũng hiểu ra rằng cái thứ màu xám ở đầu cầu thang ấy chẳng phải là thứ để đem ra hỏi han. Không hỏi ai hết. Không bao giờ.
Và tôi chẳng bao giờ nói với bất kỳ ai về con ma đầu tiên tôi thấy, cũng không nói với ai về hàng trăm con ma khác tôi gặp sau này. Có gì để nói đâu nhỉ? Tôi trông thấy chúng. Chúng nói chuyện với tôi. Hầu như tôi chẳng hiểu chúng nói gì, muốn gì, và rồi chúng luôn luôn bỏ đi. Hết chuyện.
Có lẽ mọi thứ cứ trôi qua như thế nếu như bố tôi không đột ngột qua đời.
Thật đấy. Chỉ có vậy thôi. Phút trước bố còn ở đó, nấu ăn và cười đùa như bố thường làm, vậy mà hôm sau bố đã không còn nữa.
Mọi người an ủi tôi suốt cái tuần sau khi bố mất - cái tuần mà tôi chỉ biết đứng trên bậu cửa chờ bố về - nhưng bố chẳng bao giờ trở về nữa.
Tôi chẳng thích nghe những lời an ủi. Tại sao tôi phải nghe họ chứ? Bố không về nữa ư? Họ có lẩm cẩm không vậy? Tôi hiểu một điều là bố mất rồi. Nhưng bố chắc chắn rồi sẽ quay về. Ai sẽ giúp tôi làm bài tập toán đây, ai sẽ thức dậy thật sớm cùng tôi vào sáng Chủ Nhật, làm bánh quế theo cách của người Bỉ và xem phim hoạt hình cùng tôi, ai sẽ dạy tôi lái xe khi tôi 16 tuổi như đã hứa bây giờ? Bố có lẽ đã mất thật rồi, nhưng chắc chắn tôi sẽ lại được gặp bố thôi. Hàng ngày tôi vẫn thấy những người đã khuất, thế thì sao tôi lại không gặp được bố cơ chứ?
Hoá ra tôi đã đúng. Bố tôi đã mất, tôi không nghi ngờ gì điều đó. Bố mất vì chứng nhồi máu cơ tim. Mẹ tôi đã tiến hành hoả táng rồi giữ tro trong chiếc cốc vại uống bia kiểu Đức cổ, loại có nắp đậy. Bố từng rất thích uống bia. Mẹ đặt nó lên giá cao chỗ con mèo không với tới, thỉnh thoảng lúc mẹ nghĩ là tôi không quanh quẩn đâu đây, mẹ lại nói chuyện với chiếc cốc ấy.
Điều này làm tôi buồn kinh khủng. Chắc chắn là tôi không thể đổ lỗi cho mẹ vì làm tôi buồn. Nếu tôi không biết thì có lẽ tôi cũng đã nói chuyện với chiếc cốc ấy rồi.
Nhưng bạn thấy đấy, những người đó đã lầm. Bố tôi mất, điều đó đúng. Nhưng tôi vẫn được gặp lại bố.
Thực ra, giờ có khi tôi còn gặp bố nhiều hơn cả khi bố còn sống. Khi ấy, bố đi làm suốt ngày. Giờ bố mất rồi, bố chẳng có nhiều việc để làm, vì thế mà tôi gặp bố rất nhiều lần. Thực tế là quá nhiều ấy chứ. Bố khoái cái việc đột ngột hiện ra khi tôi ít để ý nhất. Như thế chẳng hay ho cho lắm.
Cuối cùng thì bố là người giải thích cho tôi. Tôi nghĩ, về một mặt nào đó việc bố mất cũng tốt thôi, vì nhờ đó mà tôi hiểu được mọi chuyện.
Thật ra thì không phải vậy. Có một người bói bài tarot đã từng nói về chuyện đó một lần rồi. Đó là cái lần trường tôi tổ chức hội hè. Tôi đi cũng chỉ bởi Gina không muốn đi một mình. Tôi nghĩ vụ này thật vớ vẩn, nhưng tôi vẫn đi bởi vì đó là những điều mà những người bạn thân nhất hay làm vì bạn mình. Người đàn bà đó - bà thầy bói Zara - xem lá bài của Gina và nói chính xác những gì cô ấy muốn nghe: À, rồi sau này cháu sẽ cực kỳ thành đạt, làm bác sỹ phẫu thuật não, cháu sẽ kết hôn vào năm 30 tuổi, có 3 con, vân vân và vân vân. Khi xong việc, tôi những muốn đi nhưng Gina cứ nhất định bắt bà Zara xem cho cả tôi nữa.
Bạn biết thế nào rồi đấy. Bà Zara xem các lá bài một lần, bà có vẻ đăm chiêu, rồi tráo bài và xem lại. Rồi bà ấy nhìn tôi:
"Cháu," bà ấy nói, "nói chuyện được với người đã khuất."
Điều này làm Gina hết sức hào hứng. Cô nàng tuôn: "Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Thật thế à? Suze, cậu nghe thấy không đấy? Cậu có thể nói chuyện với người chết! Cậu cũng là cô đồng!"
"Không phải là cô đồng," bà Zara nói. "Mà là Cầu nối của hồn ma."
Gina có vẻ bị sốc, "Gì cơ? Đấy là cái gì thế ạ?"
Nhưng tôi thì hiểu. Tôi không biết chính xác phải gọi như thế nào, nhưng tôi hiểu nó là cái gì. Bố tôi không giải thích được rõ lắm, nhưng tôi biết đại loại là thế này: tôi là người có thể liên hệ với những người đã chết ngoẻo rồi nhưng vẫn vương vấn vì những điều còn... bận tâm. Sau đó, nếu có thể, tôi giúp đỡ họ giải quyết cái mớ bòng bong đó đi.
Tôi chỉ có thể nghĩ được cách giải thích đó thôi. Chẳng biết tại sao tôi lại may mắn đến thế - ý tôi là ở chỗ, về tất cả những phương diện khác thì tôi hoàn toàn bình thường, hừm, gần như bình thường. Tôi chỉ không may mắn ở chỗ là có khả năng liên lạc với người chết.
Không hẳn là tất cả những người chết. Chỉ những người chết chưa nhắm mắt thôi.
Bạn thấy cuộc sống của tôi mười sáu năm vừa qua đầy những hoa thơm trái ngọt thế nào rồi đấy.
Hãy tưởng tượng việc bạn bị người đã chết ám ảnh - theo nghĩa đen của từ ấy - từng phút từng ngày trong đời. Chẳng hay ho gì đâu. Bạn đi mua đồ ăn hay kiếm một lon soda - ối chà, một gã đứng ngay trong góc. Gã bị bắn chết. Và nếu bạn giúp cho cảnh sát tóm được kẻ thủ sát thì gã kia sẽ nhắm mắt xuôi tay mà yên nghỉ.
Thế mà lúc ấy tất cả những gì bạn muốn lại chỉ là một lon soda thôi.
Hay là bạn đến thư viện mượn sách - và ối, hồn ma của một bà thủ thư nào đấy đến tìm bạn, muốn bạn nói giúp với thằng cháu là bà ta rất bực mình về những điều nó làm với những con mèo của bà ta sau khi bà chết ngoẻo đi rồi.
Đó mới là những người biết lý do vì sao họ vẫn còn quanh quẩn trên đời. Nửa còn lại thì chả rõ vì sao họ chưa đi về cái cõi âm mà lý ra họ phải đến.
Rắc rối ở chỗ vì thế mà con ngốc là tôi đây phải giúp họ đi đến đó.
Tôi là cầu nối của những bóng ma.
Nói cho bạn hay, đấy chẳng phải là điều tôi muốn mọi người dính vào đâu.
Chuyện cầu nối này chả xơ múi được gì. Chả có ai đề nghị trả lương tháng hay gì gì cho tôi hết, thậm chí tiền lương theo giờ cũng không. Chỉ là có những khi bạn thấy ấm lòng khi làm được điều gì đó giúp người khác mà thôi. Như việc đi nói với một cô bé, người đã không kịp nói lời tạm biệt với người ông trước khi ông mất, rằng ông cô rất yêu thương cô, và ông tha thứ cho cô cái lần cô coi chuyện ông kể về xứ El Dorado là chuyện nhảm nhí. Những câu chuyện như thế thực sự sưởi ấm trái tim bạn, thật đấy.
Nhưng còn lại thì hầu hết chẳng dễ chịu tí nào. Ngoài cái điều rắc rối là lúc nào cũng bị quấy rầy bởi những người mà chỉ mỗi mình bạn trông thấy, thì trên thực tế, có rất nhiều con ma cực kỳ đáng ghét. Nói nghiêm chỉnh đấy. Chúng là những thứ của nợ khó chiều. Nhìn chung, chúng biết rằng với cách cư xử của chúng khi còn sống, chúng không được người ta kính trọng cho lắm. Thế là chúng cứ ở lại mà quấy rầy người ta, sập cửa, đập phá, làm cho mọi thứ trở nên lạnh lẽo, rên rẩm. Biết tôi đang nói về cái gì rồi đấy, cái loài yêu tinh ấy mà.
Đôi khi chúng cũng trở nên hung dữ, cố làm cho người khác bị thương. Chúng cố tình làm vậy đấy. Đó là những lúc tôi điên tiết lên, những lúc tôi buộc phải tẩn cho chúng một trận.
Đó là điều mẹ tôi thấy lúc mẹ nói, "Ôi Suze, đừng có lại thế nữa chứ con." Khi tôi tẩn nhau với ma, mọi thứ thường trở nên hơi bị... lộn xộn một tí.
Tôi không có ý định làm cho căn phòng mới này lộn tùng phèo lên, vì thế mà tôi quay lưng lại với con ma đang ngồi trên chiếc ghế gần cửa sổ và nói: "Không có gì đâu mẹ. Mọi thứ đều ổn cả. Căn phòng đẹp lắm. Con cám ơn mẹ nhiều."
Chắc mẹ không tin, chẳng dễ lừa được mẹ tôi đâu. Tôi biết mẹ đang nghi tôi có điều gì đó không ổn, nhưng mẹ lại không biết đấy là điều gì. Thế có lẽ cũng tốt, vì nếu không thì cả cái thế giới vốn trật tự của mẹ sẽ náo loạn hết lên cho xem. Mẹ là phóng viên truyền hình, mẹ chỉ tin vào những điều gì mẹ thấy tận mắt. Mà mẹ thì đâu có thấy ma.
Bạn không biết tôi ao ước được như mẹ đến nhường nào đâu.
"Vậy được rồi, mẹ mừng vì con thích. Mẹ đã hơi lo một chút. Mẹ biết con không khoái... ừm... những nơi cổ kính."
Những nơi cổ kính là cái điều mà tôi ghét nhất, bởi vì nơi nào càng cổ thì càng có nguy cơ là sẽ có người nào đó qua đời, và rồi người đó vẫn đang lang thang quanh đấy để tìm sự công bằng hay chờ đợi để nhắn gửi thông điệp cuối cùng cho một người khác. Nói cho bạn hay, điều này dẫn đến một hậu quả khá thú vị khi tôi và mẹ đi tìm mua nhà trong thành phố. Chúng tôi chọn được những căn hộ gần như hoàn hảo, thế rồi tôi sẽ nói như kiểu: "Không, không đời nào," mà chẳng có lý do nào có thể viện ra cả. Thật lạ là mẹ lại không gửi béng tôi vào trường nội trú cho xong chuyện.
"Thật mà, mẹ. Căn phòng tuyệt lắm, con rất thích," tôi nói.
Nghe thấy điều đó, dượng Andy hớn hở chạy khắp phòng cho tôi thấy những chiếc đèn chỉ cần vỗ tay là có thể bật tắt (ôi giời ơi), và hàng đống những thứ dượng đã lắp đặt. Tôi theo chân dượng, bày tỏ niềm vui thích, cẩn thận không nhìn về hướng có con ma. Thật ấm áp khi thấy dượng Andy muốn làm cho tôi vui đến thế. Và tôi quyết định sẽ thật vui vẻ, như dượng ấy khao khát. Chí ít thì vui hết mức mà một người như tôi đây có thể.
Hay là bạn đến thư viện mượn sách - và ối, hồn ma của một bà thủ thư nào đấy đến tìm bạn, muốn bạn nói giúp với thằng cháu là bà ta rất bực mình về những điều nó làm với những con mèo của bà ta sau khi bà chết ngoẻo đi rồi.
Đó mới là những người biết lý do vì sao họ vẫn còn quanh quẩn trên đời. Nửa còn lại thì chả rõ vì sao họ chưa đi về cái cõi âm mà lý ra họ phải đến.
Rắc rối ở chỗ vì thế mà con ngốc là tôi đây phải giúp họ đi đến đó.
Tôi là cầu nối của những bóng ma.
Nói cho bạn hay, đấy chẳng phải là điều tôi muốn mọi người dính vào đâu.
Chuyện cầu nối này chả xơ múi được gì. Chả có ai đề nghị trả lương tháng hay gì gì cho tôi hết, thậm chí tiền lương theo giờ cũng không. Chỉ là có những khi bạn thấy ấm lòng khi làm được điều gì đó giúp người khác mà thôi. Như việc đi nói với một cô bé, người đã không kịp nói lời tạm biệt với người ông trước khi ông mất, rằng ông cô rất yêu thương cô, và ông tha thứ cho cô cái lần cô coi chuyện ông kể về xứ El Dorado là chuyện nhảm nhí. Những câu chuyện như thế thực sự sưởi ấm trái tim bạn, thật đấy.
Nhưng còn lại thì hầu hết chẳng dễ chịu tí nào. Ngoài cái điều rắc rối là lúc nào cũng bị quấy rầy bởi những người mà chỉ mỗi mình bạn trông thấy, thì trên thực tế, có rất nhiều con ma cực kỳ đáng ghét. Nói nghiêm chỉnh đấy. Chúng là những thứ của nợ khó chiều. Nhìn chung, chúng biết rằng với cách cư xử của chúng khi còn sống, chúng không được người ta kính trọng cho lắm. Thế là chúng cứ ở lại mà quấy rầy người ta, sập cửa, đập phá, làm cho mọi thứ trở nên lạnh lẽo, rên rẩm. Biết tôi đang nói về cái gì rồi đấy, cái loài yêu tinh ấy mà.
Đôi khi chúng cũng trở nên hung dữ, cố làm cho người khác bị thương. Chúng cố tình làm vậy đấy. Đó là những lúc tôi điên tiết lên, những lúc tôi buộc phải tẩn cho chúng một trận.
Đó là điều mẹ tôi thấy lúc mẹ nói, "Ôi Suze, đừng có lại thế nữa chứ con." Khi tôi tẩn nhau với ma, mọi thứ thường trở nên hơi bị... lộn xộn một tí.
Tôi không có ý định làm cho căn phòng mới này lộn tùng phèo lên, vì thế mà tôi quay lưng lại với con ma đang ngồi trên chiếc ghế gần cửa sổ và nói: "Không có gì đâu mẹ. Mọi thứ đều ổn cả. Căn phòng đẹp lắm. Con cám ơn mẹ nhiều."
Chắc mẹ không tin, chẳng dễ lừa được mẹ tôi đâu. Tôi biết mẹ đang nghi tôi có điều gì đó không ổn, nhưng mẹ lại không biết đấy là điều gì. Thế có lẽ cũng tốt, vì nếu không thì cả cái thế giới vốn trật tự của mẹ sẽ náo loạn hết lên cho xem. Mẹ là phóng viên truyền hình, mẹ chỉ tin vào những điều gì mẹ thấy tận mắt. Mà mẹ thì đâu có thấy ma.
Bạn không biết tôi ao ước được như mẹ đến nhường nào đâu.
"Vậy được rồi, mẹ mừng vì con thích. Mẹ đã hơi lo một chút. Mẹ biết con không khoái... ừm... những nơi cổ kính."
Những nơi cổ kính là cái điều mà tôi ghét nhất, bởi vì nơi nào càng cổ thì càng có nguy cơ là sẽ có người nào đó qua đời, và rồi người đó vẫn đang lang thang quanh đấy để tìm sự công bằng hay chờ đợi để nhắn gửi thông điệp cuối cùng cho một người khác. Nói cho bạn hay, điều này dẫn đến một hậu quả khá thú vị khi tôi và mẹ đi tìm mua nhà trong thành phố. Chúng tôi chọn được những căn hộ gần như hoàn hảo, thế rồi tôi sẽ nói như kiểu: "Không, không đời nào," mà chẳng có lý do nào có thể viện ra cả. Thật lạ là mẹ lại không gửi béng tôi vào trường nội trú cho xong chuyện.
"Thật mà, mẹ. Căn phòng tuyệt lắm, con rất thích," tôi nói.
Nghe thấy điều đó, dượng Andy hớn hở chạy khắp phòng cho tôi thấy những chiếc đèn chỉ cần vỗ tay là có thể bật tắt (ôi giời ơi), và hàng đống những thứ dượng đã lắp đặt. Tôi theo chân dượng, bày tỏ niềm vui thích, cẩn thận không nhìn về hướng có con ma. Thật ấm áp khi thấy dượng Andy muốn làm cho tôi vui đến thế. Và tôi quyết định sẽ thật vui vẻ, như dượng ấy khao khát. Chí ít thì vui hết mức mà một người như tôi đây có thể.
"Thôi được rồi, chắc là con không cần người dỡ đồ giúp nên mẹ sẽ đi xem dượng Andy chuẩn bị bữa tối đến đâu rồi," mẹ nói, hết cả hơi sau bài thuyết trình về việc con-sẽ-không-thể-có-bạn-bè-gì-hết-nếu-không-có-một-cách-hành-xử-thân-thiện.
Dượng Andy, ngoài việc có khả năng xây dựng nên bất cứ thứ gì, còn là một đầu bếp siêu đẳng mà mẹ tôi thì chắc chắn là chẳng bao giờ bén gót.
Tôi nói: "Vâng, vậy cũng được. Con sẽ dỡ đồ và mấy phút nữa con xuống."
Mẹ gật đầu và đứng dậy, nhưng không để tôi thoát dễ dàng thế. Đi ra đến cửa, mẹ quay lại và nói, đôi mắt xanh ngấn nước: "Mẹ chỉ mong con được hạnh phúc, Suzie à. Tất cả những gì mẹ muốn chỉ có vậy thôi. Con có nghĩ con sẽ hạnh phúc khi sống ở đây không?"
Tôi ôm lấy mẹ. Xỏ đôi đôi bốt ấy vào thì tôi cao bằng mẹ. "Chắc chắn rồi mẹ à. Ở đây con sẽ hạnh phúc mà. Con cảm thấy nơi này giờ là nhà của mình rồi," Tôi nói.
"Thật không? Con nói thật đấy chứ?" Mẹ sụt sịt.
"Thật mà." Tôi không hề nói dối, ý tôi là trong phòng tôi hồi còn ở Brooklyn lúc nào mà chẳng có ma như thế này.
Mẹ đi ra, và tôi khép cửa khe khẽ sau lưng mẹ. Chờ đến khi không còn nghe tiếng bước chân mẹ trên cầu thang nữa, tôi mới quay lại.
"Này," tôi nói với con ma đang ngồi trên chiếc ghế cạnh cửa sổ, "anh là tên quái nào vậy?"