Ngôi trường Công giáo Juniperro Serra, dạy từ mẫu giáo đến lớp 12, được chuyển thành trường cho cả học sinh nam và nữ nào những năm 80 và gần đây đã bỏ yêu cầu mặc đồng phục nghiêm ngặt, may phước cho tôi. Đồng phục vốn là màu xanh đậm và trắng, không phải màu tôi thích. Mau mắn thay, kiểu đồng phục ấy đã trở nên quá phổ biến đến nỗi họ bỏ luôn, cũng như việc trường chỉ dành cho nam sinh trước đây, và mặc dù không được mặc quần jeans, học sinh có thể mặc bất cứ thứ gì chúng thích. Và vì muốn xài hết số quần áo thiết kế mua ở vô số các cửa hàng giảm giá ở New Jersey cùng với Gina đóng vai trò nhà tư vấn thời trang, điều này làm tôi rất khoái.
Những thứ liên quan đến đạo Thiên chúa mới thật sự là vấn đề. Không hẳn đến mức là một điều phiền phức. Mẹ tôi chưa bao giờ tốn công ép tôi theo bất kỳ tôn giáo nào. Bố tôi là tín đồ Do thái không tích cực, mẹ tôi theo đạo Cơ đốc. Tôn giáo chưa bao giờ quan trọng đối với bố mẹ tôi, và chẳng cần phải nói, nó chỉ làm tôi rối trí mà thôi. Bạn hẳn phải cho tôi là đứa hiểu thấu về tôn giáo hơn ai hết, nhưng thực ra, tôi chẳng biết tí ti gì về chuyện xảy ra với những con ma mình tống khứ đi đâu đó sau khi chết. Tất cả những gì tôi biết, khi tống chúng đi rồi, là chúng không quay về nữa. Không bao giờ. Chấm hết.
Vì thế khi mẹ và tôi đến phòng hành chính của Trường Truyền Giáo vào ngày thứ Hai sau khi chuyển đến California đầy nắng, tôi hơi lùi lại khi đối diện với tượng chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá cao 1m80, phía sau bàn làm việc.
Lẽ ra tôi không nên ngạc nhiên đến thế. Mẹ tôi đã chỉ cho tôi ngôi trường ấy từ phòng tôi khi giúp tôi dỡ đồ vào buổi sáng Chủ Nhật. "Con thấy mái vòm kia không? Trường Truyền Giáo đấy. Cái mái vòm ấy che phía trên nhà nguyện." Mẹ nói.
Tiến Sỹ cứ quanh quẩn khắp nơi - tôi thấy lúc nào thằng nhóc chả vậy - và chúi mũi vào một trong những tài liệu của nó, lần này là về những thầy tu dòng thánh Francis, thành viên của hội Thiên Chúa giáo La mã tuân theo lời răn của thánh Francis chuẩn y năm 1209. Theo như Tiến Sỹ thì Cha Junipero Serra, một thầy tu Francis, là một nhân vật lịch sử bị nhìn nhận một cách hoàn toàn sai lầm. Là một người có công lớn đối với nhà thờ Công giáo nhưng gây tranh cãi, một thời ông từng được coi như thánh sống, nhưng như Tiến Sỹ nói, thổ dân Mỹ đã coi chuyện ông chuyển đến như là "sự công khai ủng hộ chính sách khai thác thuộc địa của người Tây Ban Nha. Cho dù Junipero Serra được biết đến là người đã đấu tranh cho quyền sở hữu đất đai và tự do trong kinh tế của những người bản xứ cải đạo, ông ta hoàn toàn ủng hộ việc không cho họ có quyền tự trị, là kẻ trung thành với những kiểu hình phạt tra tấn về thể xác, đã xin chính quyền Tây Ban Nha cho cái quyền được tra tấn những người da đỏ."
Khi Tiến Sỹ kết thúc bài giảng, tôi chỉ nhìn nó và nói: "Em có trí nhớ thiên về hình ảnh đấy nhỉ?" Thằng nhóc chẳng hiểu tôi nói gì cả.
"À," nó nói, "biết về lịch sử nơi mình đang sống cũng tốt."
Tôi nhớ chuyện này để tham khảo về sau. Có thể tôi sẽ cần đến Tiến Sỹ trong trường hợp Jesse lại hiện ra lần nữa.
Giờ đây, khi đứng trong văn phòng mát lạnh của toà nhà cổ mà Junipero Serra đã cho xây dựng để cải thiện dân bản xứ trong vùng, tôi băn khoăn tự hỏi rồi mình sẽ gặp bao nhiêu hồn ma. Cái người tên Serra này hẳn đã gây thù chuốc oán với kha khá thổ dân ở đây - đặc biệt là với thứ gọi là những kiểu hình phạt tra tấn về thể xác - và tôi không nghi ngờ gì chuyện mình rồi sẽ phải gặp tất cả bọn họ.
Rồi khi mẹ và tôi đi trên hành lang rộng dẫn ra cái sân trong của Trường, tôi chỉ toàn gặp những người dân vùng này. Có vài du khách đang chụp ảnh cái thác nước ấn tượng, một người làm vườn cắm cúi quanh gốc một cây cọ - thậm chí ở ngôi trường mới của tôi cũng có cọ cơ đấy - một vị linh mục trầm tư dạo bước trên lối đi có mái che giữa hai toà nhà. Nơi này thật xinh đẹp và bình yên - nhất là đối với một toà nhà cổ kính đã từng phải chứng kiến quá nhiều cái chết như thế.
Tôi không thể nào hiểu nổi. Những con ma biến đi đâu hết rồi?
Cũng có thể chúng sợ phải loanh quanh ở nơi này. Tôi cũng thấy hơi rợn khi nhìn lên cây thánh giá đó. Tôi muốn nói là, tôi chả có ý gì chống lại tôn giáo hết, nhưng có cần thiết phải dựng cả một cái thánh giá với những vết thương và gì gì nữa trông như thật như thế không nhỉ?
Hiển nhiên tôi không phải là đứa duy nhất có ý nghĩ đó, có một tên con trai đang ngồi thùm thụp trong chiếc tràng kỷ gần cái mà người ta bảo mẹ và tôi ngồi chờ, nó liếc theo hướng tôi nhìn và nói: "Người sẽ nhỏ những giọt huyết lệ nếu người con gái nào tốt nghiệp ra trường vẫn còn là một thiếu nữ đồng trinh."
Tôi không thể không bật ra tiếng cười khan. Mẹ liếc tôi một cái. Nhân viên văn thư, một người phụ nữ trung niên có dáng người đầy đặn, trông như thể có điều gì đó xúc phạm đến bà ghê gớm, đảo tròn con mắt, mệt mỏi nói: "Ôi, lại Adam."
Adam, tên con trai tầm tuổi tôi trông khá ổn, nhìn tôi với vẻ hoàn toàn nghiêm túc. "Thật đấy," cậu ta nói. "Chuyện xảy ra vào năm trước. Với chị gái mình." Cậu ta hạ giọng một cách đầy ẩn ý. "Chị ấy đã được chọn."
Tôi lại cười, và mẹ cau mày nhìn tôi. Mẹ đã bỏ ra gần hết ngày hôm qua giải thích cho tôi hiểu rằng thật sự rất, rất khó để thuyết phục trường nhận tôi vào học, nhất là khi mẹ chả đưa ra được bằng chứng nào chứng tỏ tôi đã được làm lễ rửa tội cả. Rốt cuộc thì họ nhận tôi chỉ vì dượng Andy có 3 đứa con trai cũng học ở đây. Tôi tưởng tượng ra một khoản hiến tặng khá lớn cũng góp phần trong việc tôi được nhận, nhưng mẹ không nói cho tôi về điều đó. Tât cả những gì mẹ nói là tôi phải cư xử cho đúng đắn, đừng có quăng quật bất cứ thứ gì ra ngoài cửa sổ - dù tôi nhắc cho mẹ nhớ là vụ đó không phải do lỗi của tôi. Tôi đã oánh nhau với một con ma mới hung bạo, con ma dám không nghe lời, không chịu từ bỏ vụ ám tủ để đồ của bọn con gái ở trường cũ của tôi. Cái vụ ném con ma đó qua cửa sổ tất nhiên đã làm hắn phải nghe lời, buộc hắn sau này phải biết đường mà cư xử cho đàng hoàng tử tế.
Dĩ nhiên tôi đã nói với mẹ là tôi đang tập oánh tennis trong nhà và cái vợt bay khỏi tay tôi - một câu chuyện bốc phét đặc biệt không thể tin được, vì chưa ai tìm thấy cái vợt tennis của tôi hết.
Khi tôi đang ôn lại kỷ niệm đau thương ấy thì cánh cửa gỗ nặng nề mở ra, một vị linh mục bước ra và nói: "Chào chị Ackerman, hân hạnh được gặp lại chị. Đây chắc hẳn là cháu Susannah Simon. Mời vào." Ông dẫn chúng tôi vào văn phòng, ngừng lại và nói với tên con trai đang ngồi trên tràng kỷ: "Ôi, không, trò McTavish. Không phải vào ngày đầu tiên của học kỳ mới thế này chứ."
Adam nhún vai. "Biết làm thế nào được ạ? Mụ ấy ghét con."
"Cẩn thận, đừng có gọi sơ Ernestine là mụ, cậu McTavish. Lát nữa ta sẽ nói chuyện với trò, sau khi xong việc với 2 quý cô đây."
Chúng tôi bước vào, và thầy hiệu trưởng, Cha Dominic - đấy là tên ông ấy - ngồi xuống chuyện trò với chúng tôi một lát, hỏi xem tôi có thích California không. Tôi nói có thích, đặc biệt là biển. Gia đình tôi đã dành gần hết ngày trên bãi biển sau khi tôi dỡ đồ xong. Tôi đã tìm thấy cặp kính râm, và dù nước lạnh không bơi được, tôi đã có một thời gian tuyệt vời chỉ nằm ườn trên bãi cát ngắm sóng biển. Sóng còn to hơn cả trong phim Baywatch, và ông Tiến Sỹ suốt cả chiều giải thích cho tôi chuyện đó. Giờ tôi quên béng rồi, vì ánh mặt trời làm cho tôi mê mẩn và tôi hầu như chẳng nghe gì hết. Tôi bắt đầu yêu biển, yêu hương vị biển, những lớp tảo trên mép nước, cảm nhận bờ cát mát lạnh lùa qua ngón chân, vị mặn của muối còn vương trên da khi tôi trở về nhà. Ở Carmel có lẽ không có quán Bagel Bob nào hết, nhưng chắc chắn là cũng đâu có bãi biển nào ở Manhattan chứ.
Cha Dominic thực thà bảy tỏ rằng ông hi vọng tôi sẽ vui khi học ở Trường Truyền Giáo, và tiếp tục nói rằng cho dù tôi không theo đạo Thiên chúa, tôi cũng không nên cảm thấy mình không được phép đến lễ Mass. Dĩ nhiên, có những Ngày Lễ Thánh Bắt Buộc(*), ngày mà những học sinh theo đạo Thiên chúa tạm gác bài học qua một bên và đến nhà thờ. Tôi có thể tham gia cùng, hoặc ở lại lớp học không một bóng người, tuỳ tôi chọn.
Tôi nghĩ điều này thật buồn cười, nhưng tôi cố gắng kìm giữ lại. Cha Dominic đã có tuổi nhưng còn nhanh nhẹn, và tôi thấy ông cũng khá dễ coi trong bộ áo chùng cổ đen trắng - phải nói là ông đẹp so với cái tuổi 60. Tóc ông đã bạc trắng, đôi mắt xanh biếc, móng tay gọn gàng. Tôi không biết nhiều linh mục lắm, nhưng tôi nghĩ người này có lẽ cũng không đến nỗi nào, đặc biệt là khi ông không xử nặng tay tên con trai ngồi ngoài kia, kẻ đã dám gọi một bà xơ là mụ ta.
Sau khi Cha Dominic nói tôi nghe những trường hợp có thể bị đuổi học - bỏ học quá nhiều, buôn bán ma tuý trong trường, chuyện như cơm bữa - ông hỏi tôi có gì chưa rõ nữa không, tôi nói không. Ông bèn hỏi mẹ tôi còn gì cần hỏi nữa không, mẹ cũng không. Thế là ông đứng lên và nói: "Vậy thì tốt rồi. Tôi xin tạm biệt chị, chị Ackerman, và xin dẫn cháu Susannah vào lớp. Được chứ, Susannah?"
Tôi nghĩ việc một ông hiệu trưởng, mà hẳn phải có khối việc phải làm, tốn thời gian dẫn tôi vào lớp thì có vẻ khá kì quặc, nhưng tôi không nói gì hết. Tôi chỉ lấy áo khoác - cái áo len Esprit kiểu quân đội màu đen, hàng độc (mẹ sẽ không cho tôi mặc đồ da vào ngày đầu tiên đi học) - đứng chờ trong khi mẹ bắt tay ông ấy. Mẹ hôn tạm biệt tôi, nhắc tôi tìm Ngái Ngủ lúc 3 giờ vì anh ta có nhiệm vụ lái xe đưa tôi về - chỉ có mẹ không gọi anh ta là Ngái Ngủ. Một lần nữa cái việc thiếu nghiêm trọng phương tiện giao thông công cộng lại làm cho tôi phải lê xác đến trường và về nhà cùng mấy anh em con dượng.
Rồi mẹ ra về, và Cha Dominic cùng tôi băng qua sân, sau khi bảo Adam ngồi chờ ông.
"Không vấn đề, thưa cha," Adam đáp. Cậu ta liếc tôi sau lưng Cha. Chẳng có mấy tên con trai cùng tuổi thèm liếc đến tôi. Hi vọng cậu ta học cùng lớp tôi. Cuối cùng thì mong ước của mẹ rằng tôi sẽ hoà nhập hơn với cuộc sống xung quanh cũng có cơ trở thành hiện thực.
Trong khi đi, Cha Dominic nói cho tôi biết chút ít về toà nhà này - hay những toà nhà này, như thế mới đúng. Một dãy những khối nhà có tường dày xây bằng gạch nung nối với nhau bằng lối đi có mái thấp, giữa những toà nhà ấy là một cái sân rất đẹp trồng đầy cọ, có vòi phun nước và một bức tượng Cha Serra bằng đồng cùng với những phụ nữ da đỏ với những chiếc túi địu con đằng sau lưng, quỳ dưới chân ông ta. Phía bên kia lối đi là những chiếc ghế đá cho khách nghỉ chân khi ngắm khung cảnh tĩnh lặng đẹp tuyệt vời quanh sân; cửa ra vào của các lớp học và các hộc tủ để đồ bằng thép được ốp ngay vào tường gạch. Cha Dominic nói một trong những ngăn tủ ấy giờ là của tôi, ông cũng chỉ cho tôi ngăn tủ của chính ông. Liệu tôi có muốn cất áo khoác đi không nhỉ?
Tôi đã rất ngạc nhiên khi thức dậy vào buổi sáng Chủ Nhật run rẩy toàn thân vì lạnh. Tôi tung chăn ra và đóng sầm cửa sổ lại, chán ngán nhìn màn sương bao phủ khắp thung lũng, toàn bộ khung cảnh mở ra vịnh đều trở nên tối tăm. Tôi chắc rằng cơn bão nhiệt đới khủng khiếp nào đó đã đổ bộ vào, nhưng Tiến Sỹ khẽ khàng giải thích rằng sương mù vào sáng sớm là chuyện thường ngày ở vùng Tây Bắc này, và rằng vùng Pacifico - tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là thờ ơ - quá nổi tiếng bởi ở đây chẳng có mấy bão bùng. Tiến Sỹ trấn an tôi rằng đến trưa sương sẽ tan hết, rồi sau đó trời lại nóng như mấy ngày trước thôi.
Thằng nhóc nói đúng. Lúc tôi từ biển về nhà, rám nắng và vui vẻ, phòng tôi lại nóng như lò thiêu vậy, và tôi lại mở tung những cánh cửa sổ - thấy rằng lúc tỉnh dậy vào buổi sáng thì nó đã được đóng lại rồi, tôi cứ nghĩ người mẹ thân yêu của mình đã lo lắng cho mình.
Ít nhất, tôi cũng hi vọng mẹ tôi đã làm vậy. Giờ nghĩ lại... nhưng không, tôi không gặp lại Jesse sau ngày chuyển đến đây. Chắc chắn là mẹ tôi đã đóng chúng lại.
Dù sao đi nữa, khi bước ra ngoài, trèo lên xe của mẹ tôi lại thấy lạnh, vì thế mới phải mặc chiếc áo khoác len ấy.
Cha Dominic bảo ngăn tủ của tôi là ngăn số 273, và Cha hài lòng nhìn tôi tự xem xét nó, thong dong phía sau tôi, vui vẻ ngắm nhìn những thanh xà của lối đi, nơi có những gia đình chim én làm tổ hàng năm. Ông có vẻ khá thích các loài chim - thật ra là thích nhất trong số các loài động vật, vì có một câu ông ấy hỏi tôi là làm thế nào mà tôi quen được với Max, con chó của nhà Ackerman - không giấu diếm vẻ chế nhạo khi dượng Andy cứ lặp đi lặp lại rằng những khúc gỗ trên lối đi sẽ phải đem thay, nhờ vào công đức của bọn chim én và chất thải của chúng.
268, 269, 270. Tôi đi dọc hành lang rộng mở, đọc những con số trên những cánh cửa tủ màu be. Khác với những ngăn tủ trường tôi khi còn ở Brooklyn, tủ để đồ ở đây không hề bị vẽ bậy, không lõm hay bị dính đầy những sticker của các ban nhạc rock. Tôi đoán chắc học sinh ở West Coast tự hào về bộ mặt của trường chúng hơn bất kỳ đứa học sinh Mỹ nào.
271, 272. Tôi đứng khựng lại.
Trước ngăn tủ 273 đứng chình ình một con ma.
Không phải Jesse. Đó là một đứa con gái, ăn mặc rất giống tôi, chỉ khác là tóc vàng óng chứ không nâu như tóc tôi. Trên mặt cô ta hiện hữu một cái nhìn cực kỳ khó chịu.
"Cô," cô ta nói với tôi, "nhìn cái gì?" Rồi, cô ta hỏi ai đó đứng phía sau tôi: "Đây là đứa người ta thế vào chỗ tôi chứ gì? Biết ngay mà."
Được rồi, thú nhận nhé. Tôi phát hoảng lên. Quay lại phía sau, tôi há hốc miệng nhìn Cha Dominic đang liếc nhìn đầy dò hỏi.
"À," ông nói khi nhìn vào bộ mặt tôi, "ta chắc vậy."